Hà Nội xử lý 6.488 vụ vi phạm về hoạt động thương mại điện tử

author 14:31 10/11/2023

(VietQ.vn) - Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trong 3 năm triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã xử lý 6.488 vụ vi phạm thương mại điện tử.

Xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng giả, kém chất lượng trong hoạt động thương mại điện tử

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, sau 3 năm triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 6.564 vụ, xử lý 6.488 vụ việc vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phạt hành chính, truy thu thuế 753 tỷ đồng.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 988 vụ; phạt hành chính trên 13,3 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm trên 25,5 tỷ đồng. Công an thành phố Hà Nội kiểm tra 112 vụ, xử lý 70 vụ vi phạm; xử lý hình sự 42 vụ đối với 76 đối tượng. Phạt hành chính trên 2,8 tỷ đồng.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng giả…  tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh thương mại điện tử là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia hoạt động TMĐT vẫn còn thấp.

Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp gian lận cũng gặp khó khi các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, hoặc địa chỉ không đúng gây khó khăn cho việc kiểm tra. Bên cạnh đó phần lớn các đối tượng sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... các giao dịch, thanh toán trên mạng đều bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh gây khó cho quá trình phát hiện, kiểm tra, xử lý. Điều này dẫn đến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xác định tính chất, quy mô, địa chỉ và hàng hóa vi phạm.

Để khắc phục những bất cập này, BCĐ 389 TP Hà Nội kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử. Theo đó, cần có cơ chế hướng dẫn, quản lý các mạng xã hội, bổ sung hệ thống tra cứu dễ dàng (cách nhận biết đăng ký/thông báo theo quy định …); tăng tính chịu trách nhiệm của chủ kênh/tài khoản trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, lợi dụng mạng xã hội để hoạt động kinh doanh trái quy định pháp luật.

 Hà Nội xử lý 6.488 vụ vi phạm thương mại điện tử. Ảnh: Kinhtedothi

Kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh

UBND TP Hà Nội cho biết, nhằm ngăn chăn hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, bán online, livestream các loại hàng cấm, nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa vi phạm. Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn. Rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ của các đơn vị chuyển phát nhanh.

Nói về giải pháp trong hoạt động thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số. Song thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực. Theo đó, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn.

Ông Diên cho biết thêm, Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như: bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu. Bên cạnh đó tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh, báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật. Nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch trên mạng. Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng. Chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật. Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này.

Đề phát triển thương mại điện tử bền vững, theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Lại Việt Anh, cần có những chính sách đồng bộ. Đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng; bảo đảm môi trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương; phát triển thương mại điện tử xanh, gắn liền với bảo vệ môi trường; phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao và tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số theo hướng bền vững.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang