Nâng cao năng lực phòng chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam

author 13:30 15/11/2023

(VietQ.vn) - Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian tới cần có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực phòng chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam.

Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh

Phát biểu khai mạc Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam", ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có đánh giá chung về thực trạng hiện nay trong công tác phòng, chống và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử Việt Nam.

Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, thương mại điện tử, kinh doanh hàng hóa online hiện nay đã chi phối rất nhiều trong cuộc sống, đòi hỏi lực lượng chức năng phải kịp thời nắm bắt, có phương pháp kiểm soát phù hợp thực tế. Do đó, ngày 29/3, "Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025" đã được Chính phủ phê duyệt theo đệ trình của Bộ Công thương.

Nói về hoạt động thương mại, tiêu dùng, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định, những năm trở lại đây kinh tế phục hồi, sức mua tốt. Nhưng khoảng 2 năm vừa qua, thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng, cửa hiệu. Người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để chuyển dịch hình thức kinh doanh.

 Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại Hội thảo.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh lấy ví dụ tại chợ Ninh Hiệp với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập. Đồng thời lượng hàng hóa luân chuyển là rất lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước nên số hàng giả, hàng nhái cực kỳ cao. Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến thời điểm này, chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ. Hay như TP.HCM, ngay cả những tuyến phố sầm uất tại quận 1, quận 3, mặt bằng bị trả lại dần phổ biến hơn.

Theo thống kê được Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra, doanh số bán lẻ trên internet năm 2020 tại Việt Nam là 13 tỷ đồng. Đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Nhiều khó khăn trong xác định, xử lý vi phạm

Theo ông Trần Hữu Linh, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng Quản lý thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, thương mại điện tử phát triển bùng nổ đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

"Thương mại điện tử có yếu tố online nên yêu cầu tính nghiệp vụ cực kỳ lớn. Quá trình kiểm soát, xử lý, lực lượng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Mặt khác, việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh chia sẻ.

Chính vì vậy, còn tâm lý "ngại" xử lý đối với các vụ vi phạm thương mại điện tử ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung... các chứng cứ một cách nhanh chóng.

Hiện nay, người mua hàng dần tạo thành thói quen mua sắm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên nhận được phản ánh từ hãng có thương hiệu về tình trạng hàng giả, nhái ngay trên sàn như Lazada, Shopee và mới đây là Tiktok, càng sinh sau càng hiện đại. Song song với đó là Facebook, Zalo cũng tạo ra đất sống cho vi phạm.

Bên cạnh người bán, người mua, vô hình chung các công ty chuyển phát trở thành bên vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu... Do quy định hiện nay, xe niêm phong đang kẹp chì không được phép mở. Một số vụ việc, lực lượng Quản lý thị trường buộc phải theo xe dỡ hàng tại kho rồi mới ập vào kiểm tra.

"99% công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online, chỉ 1% thư tín. Bởi có đến 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài. Tất nhiên điều này là thiết yếu trong quá trình phát triển, tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng đến dữ liệu người dùng, an ninh tiền tệ", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói.

 Quang cảnh Hội thảo.

Với khoảng 7.000 cán bộ trên khắp cả nước, công tác kiểm tra các mặt hàng truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường vốn gặp nhiều khó khăn. Nay, môi trường thương mại điện tử tăng trưởng "nóng", tính chất phức tạp tăng cao gây áp lực cho bài toán nhân sự khi phải đấu tranh trên một mặt trận mới. Nếu không làm tốt, môi trường online không lành mạnh sẽ là nơi tiềm ẩn để tích trữ, tàng trữ vận chuyển và buôn bán các loại hàng vi phạm, hàng lậu, hàng cấm..

"Phương thức mua, bán hàng của người dân đã thay đổi, chuyển từ truyền thống sang online. Các đối tượng đã chuyển kho hàng từ đồng bằng, thành phố lên các tỉnh miền núi, khu vực vùng sâu, vùng như vụ Gia Lai vừa qua là một ví dụ điển hình", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian gần đây, mạng xã hội tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

"Lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới. Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, vụ việc vi phạm.

Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang