Việt Nam cần giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao

author 06:55 22/09/2019

(VietQ.vn) - Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phát huy vai trò và lợi thế của mình để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao.

Theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, để đưa mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao thành hiện thực, Việt Nam đang và cần phải rất nỗ lực để vượt qua nhiều thách thức hiện hữu. Trong đó, có thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vị chuyên gia nhận định, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cao ở Việt Nam xuất phát từ việc nguồn nhân lực chưa theo kịp nhịp phát triển kinh tế nhanh, dẫn đến nguồn cung của lực lượng lao động có trình độ không thể đáp ứng nhu cầu cao.

Tuy nhiên, theo ông Lee, về bản chất việc thiếu hụt nguồn lao động đó là kết quả từ những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua.

“Nếu ở nhiều quốc gia, thách thức của họ là thiếu cơ hội việc làm (nghĩa là thiếu cầu), thì tại Việt Nam, thách thức lại là thiếu lực lượng lao động có trình độ (nghĩa là thiếu nguồn cung). Đó là kết quả của sự thành công trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam những thập kỷ qua”, ông Chang Hee Lee nói.

 Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam

Bên cạnh việc chất lượng nguồn lao động chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, một thách thức mang tính khách quan mà Việt Nam nói riêng và nền kinh tế khác trên thế giới nói chung đều đang trải qua và tìm đường đi cho mình chính là sự thay đổi từng ngày của thế giới dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ thay đổi qua từng giây, từng phút.

“Chuyển đổi công nghệ nhanh chóng cung cấp các cơ hội và tạo ra thách thức đối với nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển. Một số công việc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, ví dụ điển hình là những công việc thâm dụng lao động, công nghệ mới có thể khiến các công việc đó trở nên lỗi thời, trong khi nó có thể tạo ra nhu cầu mới cho các hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn”, ông Chang Hee Lee nói.

Ông Chang Hee Lee cho rằng, tùy thuộc vào các tác nhân kinh tế gồm chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động thúc đẩy CMCN 4.0 để định hình tương lai tốt hơn cho doanh nghiệp, người lao động, xã hội. Đồng thời, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhu cầu cần đủ số lượng lực lượng lao động có trình độ vì nó đã trở thành một trong những nút thắt lớn cho sự phát triển của Việt Nam.

Vị chuyên gia Hàn Quốc bày tỏ niềm tin: “Tôi tin rằng, Việt Nam có thể làm được và có nhiều cách để đạt được điều đó”.

Theo ông Chang Hee Lee, công đoàn Việt Nam cần phát huy vai trò và lợi thế của mình để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao thông qua hoạt động hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, ví dụ như có thể thành lập hội đồng kỹ năng nghề.

Thuý Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang