Việt Nam là hiện tượng tăng hạng vượt trội về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

author 12:30 30/09/2015

(VietQ.vn) - Trong báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2015 (Global Innovation Index - GII 2015) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) công bố, Việt Nam được coi là ví dụ điển hình và là hiện tượng tăng hạng đáng lưu ý. Điều đó thể hiện qua các chỉ tiêu được đánh giá.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Việt Nam đã tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2015 (Global Innovation Index - GII 2015). Bộ chỉ số này được các tổ chức: Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) nghiên cứu và công bố. Các tổ chức này hằng năm vẫn đưa ra các bộ chỉ số này và được nghiên cứu, phân tích rất công phu.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, từ vị trí thứ 71 vào năm 2014, Việt Nam đã tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 52 trên tổng số 143 nền kinh tế. Các nền kinh tế này đang chiếm 95,1% dân số thế giới và 98,6% GDP toàn cầu.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì họp báo

Thứ trưởng Phạm Cộng Tạc cho rằng, thời gian tới Bộ KH&CN cùng với cộng đồng khoa học sẽ nỗ lực hơn nữa để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ảnh: N. Nam

"Đây là kết quả bước đầu của những đổi mới tích cực trong cơ chế quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu trong nhóm xét chỉ tiêu đầu vào như môi trường kinh doanh, nỗ lực cơ quan quản lý Nhà nước… vẫn ở mức thấp. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN cùng với cộng đồng khoa học sẽ nỗ lực hơn nữa để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam", Thứ trưởng Tạc cho biết.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng: "Đối với các cơ quan quản lý thì chúng tôi phải nhìn tổng thể. Khi Việt Nam tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đây là nỗ lực rất lớn của nhiều phía, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp…

"Chúng ta cũng phải xem xét những chỉ tiêu còn hạn chế, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục. Những hạn chế này liên quan đến thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến cả hệ thống. Không riêng gì Bộ KH&CN mà tất cả các bộ, ngành khác và cả doanh nghiệp đều phải nỗ lực hơn nữa”, Thứ trưởng Tạc nói thêm.

Theo ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ KH&CN, chúng ta tăng 19 bậc và vượt qua Thái Lan ở bảng xếp hạng. Chỉ số này là nghiên cứu rất công phu của WIPO, các trường đại học và được công bố hàng năm. Họ đánh giá trên tổng thể 143 nền kinh tế trên thế giới với các báo cáo khách quan. Năm 2015, nghiên cứu có tập trung vào một số nước, trong đó có Việt Nam. Họ đặt ra vấn đề, tại sao một nước như Việt Nam lại có sự tăng hạn vượt trội so với thu nhập bình quân đầu người.

Ông Bùi Thế Duy - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ KH&CN

Nếu so sánh với các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 2 về xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu. Ảnh: N. Nam

"Trong 3 nhóm tiểu chỉ số cấu thành. Chỉ số đầu ra và chỉ số hiệu quả chúng ta đứng thứ 9 trên thế giới, trên cả các nước đã phát triển. Việc chúng ta có chỉ số đứng thứ 9 như vậy giống như “con nhà nghèo học giỏi”, tức là với đầu tư, những tồn tại của nền kinh tế; với thu nhập đang ở khối trung bình thấp nhưng đầu ra về KH&CN và đổi mới sáng tạo đã đạt được những thành quả. Chính vì vậy, việc chia tỷ lệ như vậy, chúng ta đã có thứ hạng rất cao", ông Duy vui mừng thông báo.

Cũng theo ông Duy, chúng ta xếp thứ 52 trên thế giới tức là so sánh với các nước có thu nhập cao, các nước phát triển từ lâu. Còn nếu so sánh với các nước có thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam đứng thứ 2.

Được biết, về đổi mới sáng tạo, Việt Nam cùng một số nền kinh tế khác như Trung Quốc, Malaysia, Ấn độ, Jordan, Kenya được đánh giá là tiến xa hơn các nền kinh tế có cùng mức độ phát triển kinh tế. Có nghĩa là, các nền kinh tế này có chỉ số đổi mới sáng tạo cao hơn nhiều so với các nền kinh tế có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
 
Báo cáo đổi mới sáng tạo GII 2015 đã nghiên cứu những nền kinh tế có bước tiến vượt trội về đổi mới sáng tạo trong năm 2015: Armenia, Trung Quốc, Georgia, Ấn độ, Jordan, Kenya, Malaysia, Moldova, Mongolia, Uganda và Việt Nam.

Báo cáo đã phân tích chi tiết mối liên hệ giữa kết quả đổi mới sáng tạo của những nền kinh tế này với những sự thay đổi về chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng vào doanh nghiệp. Những nền kinh tế này đã nhận ra rằng việc chỉ nhập khẩu công nghệ đã không còn đủ để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế.

Thêm vào đó, đầu tư vào KH&CN - đổi mới sáng tạo mới có thể duy trì động lực bắt kịp các nền kinh tế phát triển. Chính vì thế, các chính sách phát triển đổi mới sáng tạo và sự vận động của các tổ chức KH&CN ở các nền kinh tế này đã bắt đầu cho thấy những kết quả nhất định.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang