Việt Nam trong top đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền: Ăn mì nhiều có tốt cho sức khỏe?

author 11:29 17/08/2021

(VietQ.vn) - Theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), giai đoạn từ 2016 - 2020, Việt Nam xếp thứ ba trong top 10 nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới, vượt Ấn Độ, đứng sau Trung Quốc và Indonesia

Việt Nam trong top tiêu thụ mì tôm nhiều nhất thế giới

Hiện nay mì gói đã nhanh chóng có mặt tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Mì gói được xem là "đồ ăn toàn cầu" do có hàng triệu người sử dụng mỗi ngày, bất kể tuổi tác, giới tính hay quốc gia, dân tộc. Theo số liệu của WINA, 116,6 tỷ suất mì được tiêu thụ vào năm 2020, tương đương với khoảng 320 triệu suất mì được ăn mỗi ngày.

Có 8/10 quốc gia đứng đầu về tiêu thụ mì gói đến từ châu Á, nơi 80% mì gói toàn cầu được tiêu thụ và mỗi quốc gia tại châu lục này đều có một vị mì ưa thích riêng. Tại châu Âu và châu Mỹ, mì ăn liền được xem là loại đồ ăn kiêng, trong khi ở Trung Đông và châu Phi, mì gói được kì vọng sẽ tăng trưởng lượng tiêu thụ trong tương lai.

Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về tiêu thụ mì gói trên đầu người, xếp sau là Việt Nam và Nepal. Theo WINA, người Hàn Quốc rất ưa thích mì ăn liền và món ăn này được phục vụ tại các nhà hàng, quầy bán rong. Trong khi, tại Việt Nam và Nepal, mì gói được dùng làm thức ăn sáng và ăn đêm

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nhiều lệnh phong tỏa được áp đặt, người dân phải ở nhà nên dẫn tới nhu cầu tự nấu ăn tăng mạnh. Trước đợt bùng phát hồi tháng 2/2020, Hàn Quốc ghi nhận tình trạng người dân vơ vét hàng hóa như gạo, nước rửa tay, khẩu trang và mì gói. Dù các nhà máy đã tăng công suất hoạt động nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu, điều này buộc nhiều siêu thị buộc phải ra quy định giới hạn số gói mì một người được mua.

Bảng xếp hạng các quốc gia tiêu thụ mì gói nhiều nhất thế giới (đơn vị: triệu gói). Ảnh: Vietnambiz

Nongshim - thương hiệu mì gói bán chạy nhất Hàn Quốc cho biết, doanh thu mì ăn liền, hay còn gọi là "ramyeon" trong tiếng Hàn, đạt 2,09 nghìn tỷ won (1,85 tỷ USD) trong năm ngoái, tăng 16,3% so với năm trước đó, ghi dấu lần đầu tiên doanh thu ramyeon của Nongshim đạt mốc 2 nghìn tỷ won, chiếm 79% tổng doanh thu của công ty.

Trong năm 2020, doanh thu của Nongshim ở Mỹ cũng tăng 26,5% so với năm trước đó lên 250,2 tỷ won, trong khi doanh thu ở Trung Quốc tăng 28,2% lên 218,3 tỷ won. Nhiều nhà sản xuất mì gói khác của Hàn cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm 2020.

Nhà sản xuất mì ăn liền Samyang Foods Co. cho biết doanh thu của họ tăng 20,9% so với năm ngoái lên 591,1 tỷ won, chiếm hơn 91% tổng doanh thu của công ty. Trong khi, Ottogi Co. cho biết doanh thu mì ăn liền và các sản phẩm mì khác của họ đã tăng 8,4% so với năm trước đó lên 700 tỷ won. Nhà sản xuất Paldo Co. cũng đạt doanh thu bán ramyeon 297,1 tỷ won, tăng 9,2% so với năm trước đó.

Mì gói có lợi thế về sự tiện lợi cũng như giá cá, điều đó góp phần nào vào việc sức tiêu thụ mì gói tăng mạnh trong giai đoạn này. Theo thống kê của WINA, nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm trước đó. Đặc biệt, năm 2020 đã tăng 14,79% so với năm 2019.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mì ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026.

Trong top 10 nước tiêu thụ nhiều nhất, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có mức tiêu thụ mì gói tăng trưởng mạnh từ 2019 đến 2020. Trong khi Trung Quốc tăng trưởng 11% thì Việt Nam tăng đến 29,4%, đứng đầu top 10 về tốc độ tăng trưởng. Việt Nam đã tiêu thụ 7 tỷ gói mì tôm trong năm 2020, đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền.

Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả các thương hiệu ngoại, đứng đầu thị trường là 4 ông lớn: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods. Nhóm "big 4" này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.

Ăn mì tôm nhiều có hại gì cho sức khỏe?

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, hiện nay, do cuộc sống bận rộn, nhiều người chọn mì tôm là bữa sáng thường xuyên, thậm chí có những lúc mì tôm "đóng thế" là bữa chính cho cả gia đình. Đặc biệt ở chỗ, nhiều trẻ em rất thích món này. Trong khi đó, thành phần chủ yếu của mì là carbohydrate, mà cơ thể con người muốn khỏe mạnh cần có 6 chất là: protein, mỡ, carbohydrate, khoáng chất, vitamin và nước. Nếu thiếu hụt một trong 6 dưỡng chất trên cơ thể rất dễ mệt mỏi, tình trạng kéo dài sẽ dễ sinh bệnh. Việc ăn mì mỗi ngày có thể khiến cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, từ đó gây ra một số bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Làm tăng quá trình lão hóa: Chất mỡ trong mì tôm thông thường đều thêm chất chống ô xy hóa, nhưng nó chỉ làm chậm tốc độ ô xy hóa, kéo dài thời gian biến mùi của mì tôm. Nếu cứ dung nạp chất này quá nhiều trong thời gian dài, chất chống ô xy hóa sẽ ảnh hưởng xấu tới hệ nội tiết và thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa.

Chuyên gia khuyến cáo việc ăn nhiều mì tôm không có lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa 

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa và dạ dày: Trong mì tôm chứa nhiều hương liệu và chất phụ gia, nếu ăn thường xuyên sẽ không những khiến vị giác giảm sút mà còn có thể tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa chung. Điều này lâu dần có thể sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau dạ dày…

Gây béo phì: Nhiều người thường có thói quen ăn mì tôm vào buổi sáng hoặc ăn lót dạ. Thế nhưng không nên ăn quá nhiều mỳ tôm vì khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate và chất béo. Điều này làm hàm lượng chất béo, calo tăng cao.

Chúng dễ dàng khiến người ăn phải đối mặt với nguy cơ gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì như tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao… với các biểu hiện ban đầu, rõ rệt nhất như chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh…

Bệnh tiểu đường, tim mạch: Thường xuyên ăn mì tôm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn bình thường. Nguyên nhân nằm ở thành phần chất béo có trong hầu hết các loại mì ăn liền. Loại chất béo này là transfat và chất béo bão hòa, chúng vô cùng có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người cao tuổi hay người có tiền sử bệnh tim mạch.

Bị sỏi thận: Hàm lượng muối trong mì tôm rất cao. Vì thế, ăn nhiều mỳ như vậy vô tình làm hại thận, thậm chí dùng nhiều có thể gây sỏi thận. Ngoài ra, bất kể loại mì nào cũng chứa đầy phosphate, một chất giúp cải thiện mùi vị thức ăn. Chúng giúp bạn ngon miệng nhưng chất này lại khiến bạn dễ bị loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần đi nếu dùng nhiều.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để đảm bảo hợp lý cho nhu cầu dinh dưỡng cũng như an toàn cho sức khỏe, người dân chỉ sử dụng những sản phẩm đóng gói này 1 - 2 lần/tuần là tối đa.

Ngoài ra, để hạn chế những tác hại khi ăn mỳ tôm, khi nấu mỳ cần lưu ý nấu mì với nước sôi một lần rồi đổ nước đó đi. Sau đó, nấu gói mì với nước sôi lần thứ hai rồi mới ăn. Cách làm này giúp giảm bớt những chất bảo quản còn tồn trong sợi mì (mặc dù những chất bảo quản này hoàn toàn an toàn và được phép sử dụng). Nếu có thể, nên nấu mì cùng với rau xanh, ít thịt để bổ sung thêm dinh dưỡng. Tuyệt đối không ăn "mỳ úp", nên luộc bỏ nước đầu, nấu mì với nước lần 2 và các thực phẩm kết hợp khác. Nên vứt bỏ gói gia vị, vì trong đó tích nhiều dầu mỡ, vì nếu ăn vào dễ gây béo, tim mạch...Thêm rau xanh để giảm tối đa lượng chất béo thừa.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang