Vinamilk: Đại gia sữa với trang trại bò trải khắp Việt Nam

author 10:45 08/09/2016

Thị trường đang chứng kiến sự tăng tốc xây dựng trang trại nuôi bò sữa của nhiều đại gia sữa, trong đó Vinamilk hiện dẫn đầu với hệ thống trang trại trải khắp VN.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, sản lượng sữa tươi của cả nước đạt khoảng 550 triệu lít, trong đó 450 triệu lít đưa vào sản xuất sữa tươi, phần còn lại sử dụng cho sữa chua, trong khi tổng nguồn cung sữa nước cho thị trường lên tới 914 triệu lít. Như vậy, sữa tươi nguyên chất chỉ mới đáp ứng gần một nửa nhu cầu thị trường và nhu cầu tiêu thụ sữa ở Việt Nam tăng lên mỗi năm. Chính vì thế, nguồn nguyên liệu sữa tươi sẽ là điểm tựa cho chiến lược cạnh tranh trong phân khúc này.

750 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày

Hiện Vinamilk đã chiếm lĩnh khoảng 55% thị phần sữa nước trong nước, 85% thị phần sữa chua... Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, từng khẳng định việc tạo lập vùng nguyên liệu sữa tươi là chiến lược phát triển dài hạn và bền vững cho Vinamilk. Năm 2006, Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong phát triển trang trại bò sữa có quy mô công nghiệp hiện đại nhất lúc bấy giờ với số tiền đầu tư 500 tỉ đồng.

Cuộc “cách mạng trắng” của Vinamilk bắt đầu từ năm 1991 và đến năm 2015 Vinamilk chủ động được 50% nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Tổng đàn bò từ 3.000 con (năm 1991) nay đã tăng lên 120.000 con (tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk). Tổng đàn bò mỗi ngày cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu. Và theo kế hoạch phát triển, tổng đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ sẽ đạt khoảng 140.000 con (năm 2017) và khoảng 160.000-180.000 con vào năm 2020.

Vinamilk hiện đang có 10 trang trại trong đó có bảy trang trại theo chuẩn Global G.A.P trang bị công nghệ cao, khép kín từ đồng cỏ đến trang trại và ba trang trại khác đang được công ty xây dựng.

Sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 1.000-1.200 tấn/ngày, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Chiến lược này sẽ góp phần giảm tỉ lệ phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi vượt lên

Nuôi bò sữa đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, dễ gặp rủi ro với lãi suất biến động thất thường. Thực tế, sau khi Vinamilk xây trang trại bò sữa đầu tiên vào năm 2006, công ty phải mất ba năm để hoàn vốn và đến năm 2009 mới tiếp tục khởi động các dự án nuôi bò sữa khác. Đổi lại, sự tăng tốc phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi của doanh nghiệp đã gắn liền với tốc độ tăng trưởng doanh thu. 

Vinamilk tổ chức ký hợp đồng thu mua sữa tươi nguyên liệu tập trung đồng loạt trên phạm vi cả nước cho năm 2016 đối với các hộ nông dân

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Vinamilk khẳng định: “Vào TPP, chúng tôi đang chủ động xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi theo hướng tăng trưởng nhanh đàn bò, đáp ứng nhu cầu chế biến các sản phẩm sữa của công ty”.

Theo dự đoán, số lượng đàn bò sữa năm 2020 tăng lên xấp xỉ 400.000 và đến năm 2035 là 835.000 con. Như vậy, mức tăng trưởng đàn bò sữa ở Việt Nam là rất lớn. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, cho biết những năm gần đây thị trường chăn nuôi Việt Nam có sự tham gia rất đông của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư. Đây là cơ hội tốt để phát triển ngành chăn nuôi nói chung và thị trường sữa nói riêng.

Với vai trò đầu tàu trong phát triển ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam, Vinamilk hiện đang có 10 trang trại. Trong đó có bảy trang trại theo chuẩn Global G.A.P, trang bị công nghệ cao, khép kín từ đồng cỏ đến trang trại và ba trang trại khác đang được xây dựng. Tổng đàn bò sữa (sở hữu và liên kết với nông dân) của Vinamilk đạt xấp xỉ 120.000 con.

Mỗi ngày, Vinamilk thu mua hơn 750 tấn sữa tươi nguyên liệu trực tiếp từ 8.000 nông hộ, chiếm 60% lượng sữa của các hộ chăn nuôi và từ các trang trại bò sữa. Để tạo một mô hình khép kín từ đầu vào, cung cấp thức ăn thô xanh cho các trang trại, Vinamilk đã có chiến lược sử dụng nguồn quỹ đất hợp lý, chủ yếu là khai thác nguồn lực về đất đai và lao động từ bà con nông dân. Hợp đồng với họ trồng cây làm thức ăn gia súc (ngô, cỏ) để cung cấp cho các trang trại; tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân, không tách rời nông dân khỏi mảnh đất của họ, góp phần phát triển tam nông, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo PLO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang