Vụ án bầu Kiên: Luật sư đề nghị Tòa tuyên bầu Kiên vô tội

author 17:51 28/05/2014

(VietQ.vn) - Luật sư Hoàng Đôn Hùng (bào chữa cho bị cáo Kiên) phân tích, việc Thường trực Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua việc cấp hạn mức 700 tỷ để đầu tư cổ phiếu là hợp pháp.

Sự kiện:

Tin tức trên Báo Tiền Phong cho biết, luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tức bầu Kiên) tiếp tục phần tranh tụng. Theo đó, xung quanh các hợp đồng tài chính, kinh tế của Cty B&B, luật sư này cho rằng, cần làm rõ việc cơ quan điều tra, hay viện kiểm sát có quyền đánh giá hợp đồng hợp pháp hay không.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị Tòa tuyên ông Kiên không phạm tội cố ý làm trái

Luật sư Hoàng Đôn Hùng (bào chữa cho bị cáo Kiên) phân tích, việc Thường trực Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua việc cấp hạn mức 700 tỷ để đầu tư cổ phiếu là hợp pháp. Bởi khi nhận thấy việc kinh doanh có lợi, các bên đã hợp tác với nhau để cùng sinh lời.

Cũng theo luật sư Hùng, việc một số ngân hàng hợp tác đầu tư để cùng mua cổ phiếu được xem là hợp pháp, bởi không có văn bản nào cấm đoán. “Nếu cơ quan chức năng can thiệp thô bạo vào các giao dịch thông thường, xem ra, có thể gây nên những xáo trộn không đáng có trên thị trường” – luật sư Hùng phát biểu.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, việc ủy thác là đúng luật, không vi phạm Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng. “Công dân được phép kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm” – ông Hùng nói. Trên thực tế, chưa có văn bản của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng, "không thể tư duy khi chưa có văn bản hướng dẫn là phạm luật được” – ông Hùng giải thích.

Cũng theo luật sư, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng ACB không được ủy thác khi chưa có hướng dẫn. Nhưng, quan điểm này lại mâu thuẫn với chính văn bản (Công văn 350) của Ngân hàng Nhà nước khi đồng ý cho ACB ủy thác.

“Phải chăng Ngân hàng Nhà nước đang lúng túng, không xác định được ACB đang vi phạm văn bản nào trong nghiệp vụ ủy thác. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản giải thích rõ ràng điều này” – ông Hùng đề nghị. Hồ sơ vụ án cho thấy, ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, và có thể hiểu, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép những ngân hàng này được phép ủy thác.

Nói đến khoản tiền ủy thác hơn 718 tỷ đồng, luật sư Hùng dẫn chứng, từ trước đến nay, ACB luôn khẳng định, những tranh chấp của mình với Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Tại tòa, đại diện ACB khẳng định, khoản tiền 718 tỷ đồng, Vietinbank phải có trách nhiệm bồi hoàn. “Một số cán bộ Vietinbank bị xử lý về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng thiệt hại, cơ quan chức năng lại cho đó là của ACB là chưa thuyết phục”.

“Vietinbank có nhiều sai phạm khi để Huyền Như sử dụng hồ sơ, chữ ký giả để rút tiền” – ông Hùng nói. Luật sư này phân tích, bản chất vụ việc, tiền đã vào Vietinbank nhưng ngân hàng này đã lỏng lẻo, để Huyền Như chiếm đoạt. Với cách thức quản lý như Vietinbank, Huyền Như có thể dễ dàng chiếm đoạt tiền của bất cứ ai. Những sai phạm từ Huyền Như có lỗi từ Vietinbank. Do vậy, nếu không xem xét trách nhiệm của Vietinbank, coi như chưa xem xét đến nguyên nhân – kết quả của hành vi phạm tội.

“Đúng ra, phải đợi vụ án Huyền Như xét xử phúc thẩm thì mới xử được Nguyễn Đức Kiên, bởi còn liên quan đến những quy kết trách nhiệm của các ngân hàng trong vụ việc” - luật sư Hùng phát biểu.

Cũng theo ông Hùng, theo quy kết của cơ quan công tố, có đến 26 ngân hàng cùng tham gia nhận tiền gửi của ACB, nhưng cho đến nay, chưa có bất cứ cá nhân hay tổ chức nào bị phải xem xét trách nhiệm, ngoài vài nhân viên của Vietinbank.

Trước khi kết thúc phần bào chữa của mình, luật sư Hùng kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Nhà nước; tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phạm tội cố ý làm trái...

Trong khi đó báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh đưa quan điểm của của HĐXX về phần  tranh tục của các luật sư. Cụ thể chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính tuyên bố HĐXX sẽ tiếp tục phần xét hỏi thay vì chuyển qua phần tranh luận như đã thông báo chiều qua do nhận được một số đơn kiến nghị của luật sư cho rằng còn nhiều vấn đề luật sư chưa được hỏi. 

Chủ tọa Nguyễn Hữu Chính phát biểu: "Hôm qua HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi của các luật sư chứ chưa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi. Xét đơn đề nghị của các luật sư, để bảo đảm dân chủ, HĐXX quyết định tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư".

Chủ tọa phiên toà lần này cũng gây ấn tượng với những người dự khán vì mức độ yêu cầu “chuyển câu hỏi khác” và “bị cáo không cần trả lời câu hỏi này” lặp lại khá nhiều lần trong phần thẩm vấn của các luật sư.

Ngay khi luật sư đặt câu hỏi đối với ông Trần Đình Long (tức bầu Long), chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát- người có liên quan đến việc định tội lừa đảo đối với bầu Kiên: “Hôm qua cuối giờ, ông muốn nói gì với HĐXX đúng không?”

Thì chủ tọa gạt ngay: Không cần thiết phải trả lời.

Luật sư “khiếu nại”: -Lời khai của ông Long với tôi rất quan trọng, trong việc xác định ý chí của ông Kiên. Nếu HĐXX không cho tôi hỏi, không cho trả lời thì làm sao tôi chứng minh hành vi khách quan. Tôi đề nghị HĐXX cho ông Long trả lời ý kiến cá nhân của ông đối với hành vi lừa đảo của ông Kiên?

Nhưng chủ tọa vẫn dứt khoát: Xin mời luật sư khác.

Chiều ngày 26-5, luật sư Vũ Xuân Nam cũng hỏi ông Trần Đình Long:

-Đã bao giờ anh nghĩ anh Kiên lừa anh chưa?

+ Với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tôi có được nói không ạ? Ngày 21-5, khi HĐXX hỏi tôi và anh Dương là có biết số cổ phần này bị thế chấp hay không, vì HĐXX yêu cầu giải thích ngắn gọn nên chúng tôi chỉ trả lời là “không”, vì vậy gây ra sự hiểu nhầm… Ông Long đáp.

Nghe đến đây chủ tọa cắt lời ông Long:“không cần phải trả lời nữa”.

Trước đó, trong phần thẩm vấn của luật sư với bầu Kiên, khi luật sư hỏi những vấn đề liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản : Nội dung thỏa thuận giữa bị cáo Kiên và ông Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thế nào, đặc biệt liên quan đến việc hoán chuyển cổ phần giữa Công ty cổ phần bất động sản Á châu và Công ty cổ phần Thép Hòa Phát... Tuy nhiên chủ tọa cũng đã bác: Câu này HĐXX đã hỏi, bị cáo Kiên không trả lời, yêu cầu hỏi câu hỏi khác .

Luật sư:- Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện thỏa thuận ấy thế nào? –Chủ tọa: Yêu cầu luật sư chuyển câu hỏi khác.

Câu hỏi tiếp sau đó: -Thời điểm 25-12-2008, bị cáo có biết QH sẽ ra NQ về vấn đề miễn thuế TNCN hay không? Chủ tọa nhắc: Câu hỏi này hỏi rồi.

-Ý kiến của bị cáo về bản giám định của cơ quan thuế thế nào? Bầu Kiên đang trả lời thì chủ tọa nhắc nhở: Bị cáo dừng lại. Chuyển câu hỏi tiếp.

-Bị cáo đang bị truy tố về tội trốn thuế. Ý kiến của bị cáo? - Chủ tọa nhắc nhở:Câu hỏi này hỏi rồi, đề nghị luật sư hỏi câu khác.

Ở một câu hỏi khác, luật sư hỏi: Ý kiến của bị cáo thế nào đối với tội cố ý làm trái mà VKSNDTC truy tố bị cáo? 

Chủ tọa: Câu hỏi này bị cáo đã trả lời. Ngay từ đầu, các bị cáo đã khẳng định là không có tội nên không cần phải nói nữa.

Bầu Kiên đề nghị: Thưa HĐXX, cho tôi được nói…

Tuy nhiên chủ tọa không đồng ý: Thôi được rồi, không phải nói nữa.

Và khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên đang trả lời luật sư về việc căn cứ vào luật nào để thành lập và đăng ký kinh doanh?  Chủ tọa đã “gút”: Bị cáo không cần trả lời bởi lẽ tất cả thủ tục thành lập DN bị cáo đã làm đúng thủ tục.

Luật sư cũng đành “gút” theo: nếu HĐXX không cho bị cáo trả lời, tôi xin kết thúc phần xét hỏi.


Hội đồng xét xử của phiên tòa.

Đặc biệt, trong phần thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như của luật sư tại phiên thẩm vấn sáng ngày 24-5, khi Huyền Như còn đang lúng túng “Hồ sơ phát nhiều, thời gian đã lâu tôi không nhớ hết. Tôi chỉ biết những gì tôi đã khai với cơ quan điều tra là đúng.” Thì chủ tọa “gà bài”: “Chị Như có quyền trả lời tôi không nhớ nếu không nhớ, hoặc là Tôi không trả lời” (?!)

-HĐXX đã gợi ý cho chị rồi. Lệnh chuyển tiền giả không có lệnh đó ngân hàng VietinBank có thể chuyển tiền được không ? Luật sư “dỗi”

Và Huyền Như đã “nghe lời” chủ tọa: "Tôi không trả lời"

Minh Anh (tổng hợp)

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang