Vụ bé 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc: Luật sư nói gì?

author 08:39 25/01/2018

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ bé 8 tháng tuổi tử vong vì bị tiêm nhầm thuốc tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh, gia đình nạn nhân đã mời luật sư vào cuộc để tiến hành khởi kiện.

Thời gian qua liên tiếp các vụ việc bệnh nhân tử vong hoặc tình trạng bệnh chuyển biến xấu vì sai sót của bệnh viện, bác sĩ xảy ra. Cách đây không lâu, ngày 16/11/2017 đã xảy ra vụ bé trai tử vong tại bệnh viện nhi Bắc Ninh do bị tiêm nhầm thuốc gây ra sốc phản vệ. Mới đây nhất là vụ việc bé 8 tháng tuổi bị nữ điều dưỡng Bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh (Hà Nội) tiêm nhầm kali clorid vào đường tĩnh mạch thay vì cho uống. Đây đều là những sự việc đáng tiếc và đau lòng. 

Vụ bé 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc: Luật sư nói gì?

 Gia đình đã mời luật sư để tiến hành khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Ảnh: Trí thức trẻ

Với vụ bé 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc, gia đình nạn nhân đã tiến hành làm thủ tục pháp y tìm nguyên nhân, gia đình cũng đã mời luật sư vào cuộc để làm các thủ tục, tiến hành khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Th.s Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) phân tích, trong lĩnh vực y tế, mặc dù kỹ thuật tiêm thuốc khá đơn giản nhưng tai biến lại có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột, có những loại thuốc được phép tiêm hoặc không được phép tiêm, được phép tiêm nếu người bệnh đáp ứng 1 số điều kiện nhất định,... Do đó, việc tiêm thuốc phải tuân thủ quy định về khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn, không tai biến, không gây thiệt hại sức khỏe bệnh nhân…

Để xác định nguyên nhân cái chết bé gái 8 tháng tuổi trong sự việc trên thì cần có điều tra khảo sát kỹ lưỡng của các cơ quan có chuyên môn để đưa ra kết luận chính thức của sự việc. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Sặc thức ăn chèn đường thở có thể làm chết người trong tích tắc(VietQ.vn) - Nhiều trường hợp bị sặc thức ăn dẫn đến tắc thở nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng.

Theo quy định tại Điều 73, Điều 74 Luật khám chữa bệnh năm 2009, khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, việc xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật của y, bác sĩ sẽ do một Hội đồng chuyên môn kết luận. Hội đồng chuyên môn được thành lập bởi người đứng đầu cơ sở khám bệnh nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp; hoặc nếu người đứng đầu cơ sở khám bệnh không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập. Trong trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập hội đồng chuyên môn để tiến hành giám định.

Hội đồng chuyên môn xác định y, bác sĩ “có sai sót chuyên môn kỹ thuật” khi đã thực hiện một trong các hành vi sau đây:

“a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;

b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;

c) Xâm phạm quyền của người bệnh”.

Kết luận của hội đồng chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định hướng xử lý, giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với y, bác sĩ có sai phạm.

Trong trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh thì ngoài trách nhiệm bồi thường theo quy định, y, người có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật.

Sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an về việc bác sĩ điều trị có thực hiện theo quy định về việc khám chữa bệnh hay không. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận về nguyên nhân gây tử vong của cháu bé là do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra thì điều dưỡng viên có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả… của hành vi vi phạm, cụ thể:

“Điều 315. 1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người; …

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Trường hợp người có hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hoặc chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì có thể phải chịu trách nhiệm hành chính nếu có căn cứ. Theo đó, Khoản 6 Điều 30 Nghị định 176/2013 ngày 14/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì cá nhân có hành vi vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh, mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân. Ngoài ra đối tượng có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng Hình thức xử phạt bổ sung là Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm trên.

Ngoài ra, Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì bác sĩ là người của bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh nên bệnh viện này phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; sau khi đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự, theo đó thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người nhà nạn nhân có thể được bồi thường cho những thiệt hại về vật chất và tinh thần từ việc người thân bị chết.

Minh Châu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang