Vụ ngộ độc thực phẩm tại Lào Cai: Chủ cơ sở bị phạt 83 triệu đồng
Nguy hại từ phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục cho phép dùng
Xử phạt hộ kinh doanh Hồng Phát do cung cấp suất ăn khiến 287 người bị ngộ độc
Trước đó, nhiều học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai phải nhập viện với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn cơm tại căng tin. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Thực đơn bữa ăn tại căng tin gồm 8 món ăn tự chế biến và bánh bao nhân xúc xích mua từ bên ngoài. Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy 4 món ăn gồm dưa chuột muối, chả lá lốt, gà rang và canh rau muống đều nhiễm vi khuẩn Salmonella. Điều này được khẳng định thêm khi các mẫu bệnh phẩm từ 4 bệnh nhân cũng dương tính với Salmonella paratyphi B.
Sau khi thừa nhận hành vi vi phạm, bà Thuyết bị xử phạt tổng cộng 83 triệu đồng cho ba lỗi vi phạm: chế biến thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe từ 5 người trở lên, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và không thực hiện đúng quy định về kiểm thực 3 bước.
Ngoài khoản tiền phạt, bà Thuyết còn phải đình chỉ hoạt động kinh doanh trong ba tháng, tiêu hủy toàn bộ thực phẩm gây ngộ độc và chịu mọi chi phí khám chữa bệnh cho 80 nạn nhân bị ngộ độc. Sở Y tế tỉnh Lào Cai nhấn mạnh đây là bài học cảnh tỉnh cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đồng thời khuyến cáo các đơn vị cần nghiêm túc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhiễm vi khuẩn salmonella là tình trạng phổ biến và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Bệnh xuất phát từ nhiều nguồn lây khác nhau, xuất hiện với nhiều triệu chứng khó chịu, điển hình là tiêu chảy và đau bụng. Tình trạng này nếu không được điều trị sớm có nguy cơ sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do đó, việc theo dõi bệnh và liên hệ kịp thời với bác sĩ là thực sự cần thiết.
Theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm 2010, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
b) Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
c) Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
d) Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
đ) Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
e) Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
An Nguyên