Vụ "sữa dê Danlait": Sai tên, sai tất?

author 10:00 12/08/2013

(VietQ.vn) – Việc ghi nhãn tên hàng hóa liên quan đến "sữa dê Danlait" lại tiếp tục được các cơ quan chuyên ngành mổ xẻ với nhiều ý kiến khác nhau.

Tên gọi "Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait" vẫn gây tranh cãi giữa các bộ ngành liên quan

"Nhùng nhằng" tên gọi

Nguồn tin PV Chất lượng Việt Nam xác nhận, mới đây, Ban chỉ đạo 127/TW tổ chức cuộc họp các cơ quan liên quan đề bàn hướng giải quyết một số vướng mắc trong vụ việc vi phạm của Công ty TNHH Mạnh Cầm kinh doanh sữa trẻ em nhãn hiệu Danlait. Theo đó, có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc ghi nhãn tên hàng hóa của sản phẩm này. Bởi tên gọi của sản phẩm “sữa” trên nhãn hàng hóa có liên quan đến chính sách bình ổn giá, thuế nhập khẩu và trách nhiệm quản lý của nhiều bộ.

Đề cập đến vấn đề tên gọi ghi trên nhãn hàng hóa của sản phẩm sữa dê Danlait, ông Vũ Đại Dương – Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN) khẳng định: “Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị ghi tên theo đúng nhãn gốc trên sản phẩm đang lưu thông trên thị trường là “Sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vương Trí Dũng – Phó Chi cục trưởng QLTT Hà Nội cho rằng, việc phân loại nhóm sản phẩm và tính thuế nhập khẩu là của cơ quan quản lý nhà nước nhưng việc ghi tên sản phẩm trên nhãn phụ phải theo tên trên nhãn gốc đang gắn trên sản phẩm của nhà sản xuất. Doanh nghiệp không có quyền đặt lại tên mà phải dịch tên từ nhãn gốc đang gắn trên sản phẩm và không được quyền điều chỉnh hay biến tấu để gây hiểu nhầm và nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

"Hiện đối với các sản phẩm sữa, Luật ATTP phân công trách nhiệm cho ba bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý sữa tươi nguyên liệu, Bộ Công thương quản lý sữa bột, còn Bộ Y tế quản lý các sản phẩm sữa là thực phẩm bổ sung. Đó là lý do có nhiều cách hiểu khác nhau trong dư luận và các cơ quan có thẩm quyền của các bộ, ngành"

BS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Làm rõ hơn về việc đặt tên và phân loại hàng hóa đối với cơ quan hải quan theo công ước HS, ông Nguyễn Hải Trang – Phó cục trưởng Cục thuế XNK cho rằng, trong Nghị định 06, Thông tư 49/2010/TT-BTC và danh mục hàng hóa XNK Việt Nam quy định: Nhóm 04.01 đến 04.04 quy định ngoài thành phần tự nhiên của sữa có thể thêm đường, chất béo có trong sữa tự nhiên, ngoài ra không được bổ sung thêm bất cứ thành phần gì khác loại.

Các chế phẩm thực phẩm từ sữa thuộc nhóm 19.01 các sản phẩm này được chế biến từ sữa và được bổ sung thêm thành phần khác ( dầu thực vật, DHA, ARA… ) mà không được thêm tại nhóm 04.01 - 04.04.

Về thực phẩm bổ sung hoặc thực phẩm chức năng theo công ước HS có công dụng, chức năng riêng, nên Danlait không phải thực phẩm bổ sung ( vì không nhằm bổ sung một chất cụ thể nào cho cơ thể).

Theo đề nghị của đại diện của Cục thuế XNK, gọi tên sản phẩm là “Chế phẩm thực phẩm từ sữa hiệu Danlait 1,2,3 dành cho trẻ em”. Theo đại diện này thì không có cơ sở nào kết luận là sữa dê, trừ tên ghi trên nhãn.

"Bây giờ vẫn có chuyện lấp liếm"?

Trước những ý kiến khác nhau của các bộ, ngành về tên gọi của sản phẩm “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait” do Cục An toàn thực phẩm cấp, ông Lê Hoàng – Phó trưởng phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, Cục ATTP đã cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm là “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait dành cho trẻ…”, trong đó “Thực phẩm bổ sung” là tên nhóm sản phẩm, còn “Sữa dê Danlait… dành cho trẻ” là tên sản phẩm, là phù hợp với quy định về nhãn sản phẩm của Việt Nam và chứng nhận của cơ quan quản lý nước xuất khẩu.

Ông Hoàng cũng cho rằng, tên do doanh nghiệp dịch khi công bố sản phẩm đã thể hiện được bản chất sản phẩm “sữa dê Danlait cho trẻ em”. “Tên gốc theo giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp, nông lương và lâm sản Pháp “Goat milk baby food” nghĩa là “sữa dê dành cho trẻ em”, nên quan điểm “sữa dê dành cho trẻ em” hay “sữa dành cho trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê” đều thể hiện được bản chất của sản phẩm”, ông Hoàng cho hay.

Cơ quan chức năng cần sớm đưa ra quyết định dứt điểm trong vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Mạnh Cầm để tránh trường hợp tương tự xảy ra khiến người tiêu dùng hoang mang

Theo nguồn tin PV Chất lượng Việt Nam, nhằm làm rõ tên gọi sản phẩm sữa dê Danlait có đúng với với nhãn gốc hay không, Cục QLTT đã tiến hành dịch lại hồ sơ công bố chất lượng và chứng nhận của Bộ Nông nghiệp, nông lương và lâm sản Pháp của sản phẩm sữa dê Danlait. Nguồn tin cho biết, trong bản dịch mới có công chứng của Bộ Tư Pháp, tên gốc của sản phẩm này đúng với tên gọi mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đề nghị trước đó.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, đại diện 1 cơ quan tham dự cuộc họp này xác nhận thông tin trên và cho hay, hiện Bộ Tài Chính cũng đã có kiến nghị làm rõ thêm. Nếu ghi là sữa dê theo nghị định 89/2006/NĐ-CP thì phải ghi rõ thành phần định lượng lên trên đó, nếu không ghi thì sẽ trái pháp luật...Tên dịch thuật công chứng ra là Sữa trẻ em làm từ sữa dê Danlait. Nếu tên sai thì buộc Cục An toàn thực phẩm và doanh nghiệp phải thay lại tên. Câu chuyện lúc này sẽ khác... Bây giờ vẫn có chuyện lấp liếm. Tên sai coi như sai hết mọi việc. 

"Nếu các bên không nghe sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Lúc đó sẽ thanh tra lại toàn bộ sự việc", Vị lãnh đạo này chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam về tên gọi "Sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait và Sữa trẻ em làm từ sữa dê Danlait", ông Đặng Minh Sang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm phản ứng bày tỏ thái độ không đồng tình. Vị này cho rằng, tên gọi như thế là chưa chính xác. "Mình dịch như thế nào cho cái nghĩa không sai bản chất vấn đề. Cái sữa của mình đặt, bên Bộ Y tế họ cấp cho mình thuộc nhóm thực phẩm bổ sung là sữa dê Danlait. Mình không dịch theo cơ học được. Cái của mình là nguồn gốc là sữa dê nên mình gọi là sữa dê Danlait. Từ bên pháp không ai dịch cho mình, chỉ ghi trên sản phẩm sữa cho trẻ em là sữa dê hiệu Danlait. Mình về đây mình gọi là sữa dê Danlait kèm theo lứa tuổi sử dụng", ông Sang nói. 

Nghị định 89/NĐCP nêu rõ: 
 
Điều 13. Tên hàng hoá
Tên hàng hoá ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá tự đặt. Tên hàng hoá không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của hàng hoá.
Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hoá thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 18 của Nghị định này.
 
Điều 18. Thành phần, thành phần định lượng
1. Ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hoá và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi.
Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hoá để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng.
2. Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tuỳ theo tính chất, trạng thái của hàng hoá, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích.
3. Đối với một số loại hàng hoá, việc ghi thành phần, thành phần định lượng được quy định như sau:
a) Đối với thực phẩm phải ghi thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng.
Nếu thành phần là chất phụ gia, phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia, mã số quốc tế (nếu có); trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu ngoài các nội dung trên còn phải ghi thêm chất đó là chất "tự nhiên" hay chất "tổng hợp";
b) Đối với thuốc dùng cho người, vắcxin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phải ghi thành phần và hàm lượng các hoạt chất;
c) Đối với mỹ phẩm phải ghi thành phần bao gồm cả các chất phụ gia;
d) Đối với đồ gia dụng kim khí, đồ dùng được chế tạo từ một loại nguyên liệu chính quyết định giá trị sử dụng thì phải ghi tên thành phần nguyên liệu chính cùng với tên hàng hoá và không phải ghi thành phần và thành phần định lượng.
4. Thành phần, thành phần định lượng của hàng hoá có cách ghi khác với quy định tại khoản 3 Điều này quy định tại Phụ lục III của Nghị định này.
 

Thanh Uyên - Phan Mạnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang