WHO khuyến nghị người có nguy cơ cao nên tiêm vaccine COVID-19 trong mùa thu và đông

author 16:56 11/10/2023

(VietQ.vn) - Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị người dân có nguy cơ cao nên tiêm vaccine COVID-19 trong mùa thu và đông, khi số ca nhập viện do COVID-19 tăng trở lại ở khu vực châu Âu, đặc biệt ở những nơi tỷ lệ tiêm vaccine thấp.

Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã kêu gọi những người có nguy cơ cao hãy bảo vệ sức khỏe bằng cách tích cực tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Đây là nỗ lực chung nhằm giảm thiểu các rủi ro do COVID-19 và cúm mùa gây ra trong mùa thu và mùa đông năm nay.

Trong thông cáo báo chí, Giám đốc Văn phòng WHO châu Âu, ông Hans Kluge, cho biết COVID-19 và cúm mùa vẫn là những bệnh nghiêm trọng, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có người chưa hoàn thành các mũi tiêm theo quy định. Đối với người già, người bị suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, WHO khuyến nghị nên tiêm thêm một mũi vaccine sau mũi cuối cùng trong vòng từ 6-12 tháng, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của mỗi người.

WHO khuyến nghị người có nguy cơ cao nên tiêm vaccine COVID-19 trong mùa thu và đông. Ảnh minh họa

Khuyến nghị trên được đưa ra khi số ca tử vong do COVID-19 và số người phải nhập viện chăm sóc đặc biệt tiếp tục giảm đáng kể so với đỉnh điểm của đại dịch, nhưng “số ca nhập viện bắt đầu tăng trở lại ở một số nước thành viên WHO khu vực châu Âu, đặc biệt ở những nơi tỷ lệ tiêm vaccine thấp." Ông Kluge nhấn mạnh 3 điểm then chốt cần quan tâm trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay, bao gồm đẩy nhanh việc tiêm liều vaccine tăng cường, giám sát liên tục COVID-19 bao gồm truy vết virus SARS-CoV-2 trong hệ thống nước thải và ưu tiên cải thiện chất lượng không khí trong nhà cùng hệ thống thông gió. Ngoài ra, WHO nhấn mạnh những người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và bệnh nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nhu cầu về vắc xin COVID-19 đã giảm mạnh trong năm nay do lượng tồn kho trên khắp thế giới tăng lên và khả năng miễn dịch của người dân cũng gia tăng do tỷ lệ tiêm chủng cao và nhiều người có miễn dịch sau khi mắc bệnh trước đó. Cách đây 3 năm, WHO chính thức tuyên bố COVID-19, căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu. Sau 3 năm, những tín hiệu tích cực cho cuộc sống bình thường mới đã xuất hiện nhờ những nỗ lực kiểm soát đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiệu quả của các loại vắc xin. Thực tế đã cho thấy tiêm vắc xin vẫn luôn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh của nhiều quốc gia.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, dù COVID-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa thì vẫn phải tiêm vắc xin vì vẫn có nhiều người tử vong. “COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Chúng ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế thì tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào nước ta” - chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang