Nguyên nhân khiến siêu tăng Armata của Nga 'chết máy' giữa đường

author 10:56 08/05/2015

(VietQ.vn) - Trong buổi tổng duyệt hôm qua ngày 7/5 tại quảng trường Đỏ, một trong 8 chiếc xe tăng Armata thế hệ mới của Nga đột ngột khựng lại ngay phía trước Lăng Lenin dù động cơ vẫn chạy.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Trong buổi tổng duyệt trước lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít Đức 9-5, một chiếc xe tăng Armata của Nga đột ngột khựng lại giữa đường và khoảng 30 phút sau mới hoạt động trở lại, ghi nhận trên báo Người Lao Động.

Hôm 7-5, 8 chiếc siêu tăng thế hệ mới T-14 Armata tham gia buổi diễn tập cuối cùng tại Quảng trường Đỏ. Trong lúc đang di chuyển, chiếc xe đột ngột khựng lại ngay phía trước Lăng Lenin dù động cơ vẫn chạy. Người lái xe giơ lên một lá cờ màu đỏ, cho thấy chiếc xe đang gặp vấn đề.

Xe tăng Armata của Nga đứng máy khi tổng duyệt

Xe tăng Armata của Nga đứng máy khi tổng duyệt

Có thông tin đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đến gần chiếc xe để xem xét. Các binh sĩ Nga tìm cách kéo nó vào trong để tìm hiểu nguyên nhân nhưng không thành công. Những nỗ lực kéo nó di chuyển đã thất bại cho tới khi chiếc T-14 có thể khởi động lại và tiếp tục lăn bánh khoảng 15 phút sau đó.

Khi sự cố xảy ra, một chiếc xe kéo đã xuất hiện để hỗ trợ nhưng không thành công. Người dẫn chương trình của buổi tổng duyệt cho biết việc xe tăng dừng lại đã được “lên kế hoạch từ trước” để cho người xem thấy phương thức “di tản xe tăng” khi sự cố xảy ra. Trong khi đó, hãng tin BBC (bản tiếng Nga) dẫn lời một chuyên gia quân sự Nga cho rằng chiếc xe tăng gặp sự cố là do lỗi của lái xe.

Nhà sản xuất của Armata khẳng định nó không gặp sự cố. Ông Alexei Zharich, phó tổng giám đốc nhà máy Uralvagonzavod, viết trên Twitter rằng: "Thử tưởng tượng đội lái lo lắng thế nào khi lần đầu điều khiển chiếc xe hiện đại. Họ vẫn trong quá trình huấn luyện". Sau đó, ông khẳng định chiếc xe tăng "hoạt động tốt".

Xe tăng Armata 'bất động' trên Quảng trường Đỏ

Xe tăng Armata 'bất động' trên Quảng trường Đỏ

Một nguồn tin quân sự khác xác nhận với báo chí Nga là sự cố có vẻ do lỗi điều khiển chứ không phải trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, trang gazeta.ru dẫn một nguồn tin quân sự tiết lộ hồi tháng trước rằng Armata từng đứng khựng 2 lần trong lúc diễn tập cho ngày 9-5 tại trường huấn luyện Alabino gần Moscow.

Sự cố kể trên được xem là khởi đầu không hoàn hảo của T-14 Armata, “kiệt tác quân sự” của Nga thời hậu chiến. Moscow từng tự hào khoe các tính năng vượt trội của siêu tăng, bao gồm tính năng nạp đạn tự động, lớp vỏ thép thế hệ mới và một ụ pháo điều khiển từ xa do 2 người vận hành ngồi ở một ngăn riêng biệt phía trước chiếc xe điều khiển. Hệ thống radar trên xe có thể theo dõi đồng thời 40 mục tiêu trên bộ và 25 mục tiêu trên không trong vòng bán kính 100 km.

Theo The Times, nhà sản xuất của Nga tuyên bố xe tăng thế hệ mới Armata có thiết kế tháp pháo đột phá, camera 360o phát hiện mọi mối đe dọa và lớp giáp chủ động có thể bảo vệ chiếc xe trước các cuộc tấn công tên lửa. Song, những đột phá này không đủ để bảo vệ cho bất cứ ai phải chịu trách nhiệm về sự cố này của Armata trước sự chứng kiến của hàng nghìn người trên Quảng trường Đỏ.

Siêu xe tăng mới của Nga gặp trục trặc trong lúc diễn tập

Siêu xe tăng Armata mới của Nga gặp trục trặc trong lúc diễn tập

Những chiếc T-14 Armata vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa sản xuất hàng loạt nên sai sót là không tránh khỏi. Chỉ một vài chiếc sẽ xuất hiện tại lễ duyệt binh ngày 9-5 - trong tổng số khoảng 200 khí tài và 16.500 binh lính tham gia. Chúng cũng chưa được trang bị cho quân đội cho tới năm 2020.

T-14 Armata được coi là xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga trong vòng 40 năm trở lại đây. Kế hoạch sản xuất 2.300 siêu tăng trong 5 năm tới nhằm thay thế một lượng lớn xe quân sự Liên Xô già nua (loại T-72 và T-90) sẽ là một trong những chương trình tái vũ trang tốn kém nhất mà Moscow từng thực hiện.

Vào năm 2020, Nga dự chi ngân sách 20.000 tỉ rúp (500 tỉ USD) để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Trong đó, mỗi chiếc T-14 Armata ngốn của quân đội Nga khoảng 400 triệu rúp, đắt hơn chi phí sản xuất một chiếc máy bay chiến đấu bình thường. Theo ông Alexander Golts, cây bút quân sự kiêm phó tổng biên tập báo Yezhednevny Zhurnal, mức giá này khiến Armata như "làm bằng vàng" và có thể gây cản trở cho sản xuất hàng loạt.

Thùy Nguyễn (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang