Xử lý nghiêm sai phạm của các dự án điện mặt trời mái nhà

author 05:51 31/03/2022

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiêm túc theo đúng kết luận về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, cũng như những sai sót ở lĩnh vực này. Bất kể tập thể hay cá nhân nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm túc theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30/3, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chủ trương về phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số quyết định với chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát, xử lý nghiêm sai phạm của các dự án điện mặt trời  

Theo ông Hùng, chủ trương phát triển điện mặt trời nhằm tăng cường khả năng phát triển của năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc vào việc sử dụng năng lượng hoá thạch, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Sau khi có những chính sách, hướng dẫn các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân đã tham gia đầu tư phát triển rất nhiều các dự án điện mặt trời. Đến cuối năm 2020, số lượng dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đã đạt khoảng 17.000 MW (trong đó dự án điện mặt trời quy mô ((Solar Farm) nối lưới là khoảng 9.000MW và điện mặt trời mái nhà khoảng 8.000 MW).

Tuy nhiên, do thời gian có hiệu lực của các Quyết định chỉ đến 31/12/2020 nên trong một thời gian ngắn, điện mặt trời phát triển nóng, gây ra một số tồn tại, vướng mắc- ông Bùi Quốc Hùng cho hay

Đơn cử, đối với các dự án điện mặt trời trên mặt đất, do tập trung phát triển ở một số các địa phương có tiềm năng về đất đai, về cường độ ánh sáng như các tỉnh miền Trung và Nam bộ, nên có những lúc quá tải cục bộ tại một số địa phương, gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện.

Riêng đối với việc phát triển điện mặt trời mái nhà, đây là yêu cầu của Bộ Công Thương và ngành điện, với mong muốn để sản xuất và tiêu dùng xảy ra cùng một lúc, cùng một chỗ, cùng một địa điểm, không phải truyền tải đi xa, sẽ mang lại hiệu quả lớn như không phải phát lên lưới, cũng như không phải xây dựng đường dây truyền tải- ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.

Từ việc có một số vấn đề bấp cập đối với điện mặt trời, ngày 9/2/2021, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 185 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để kiểm tra, rà soát việc phát triển điện mặt trời tại các tỉnh.

Ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra điện mặt trời. Sau đó, ngày 15/3/2021, chính thức có thông báo đến UBND các tỉnh và EVN tiến hành thực hiện kiểm tra các dự án điện mặt trời trên địa bàn 10 tỉnh Nam miền Trung và miền Nam.

Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra từ tháng 3 cho đến đầu tháng 5/2021 và kết thúc đợt kiểm tra thứ nhất để tiến hành báo cáo. Sau đó, Bộ Công Thương cũng đã thành lập đoàn kiểm tra thứ hai để đánh giá tổng thể hơn cho toàn bộ một số các tỉnh khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát nên đã tạm dừng.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã có thông báo kết luận về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Đoàn kiểm tra đã cùng với các địa phương kiểm tra trên địa bàn 10 tỉnh. 

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề tại một số dự án điện mặt trời như quá tải lưới phân phối, một số dự án tấm pin chưa lắp đủ, một số chỗ gặp sự cố gây quá tải các đường dây, trong đó, hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương về sai phạm của các dự án điện mặt trời mái nhà theo kết luận của Bộ Công Thương, ông Hùng cho hay, theo Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, những dự án có công suất dưới 1MW và đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35kV thì việc thoả thuận, đấu nối sẽ do EVN thoả thuận, thực hiện với khách hàng chủ đầu tư nhằm đấu nối vào lưới điện. Những dự án dưới 1 MW là công trình cấp 4 nên hiện nay không có thoả thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Chính vì vậy, theo Quyết định 13, Bộ Công Thương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để triển khai, thực hiện các dự án cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh khắc phục những sai phạm.

Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, do thời gian thực hiện rất ngắn, từ 17/7 đến 31/12/2020 nên Bộ Công Thương chưa có điều kiện để kiểm tra, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng chính sách, để đảm bảo cho đúng quy hoạch.

Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng bổ sung một số quy hoạch phát triển điện mặt trời cũng như đã phê duyệt, đưa vào bổ sung quy hoạch điện lực tỉnh và bổ sung quy hoạch đối với phát triển điện lực quốc gia một số dự án năng lượng tái tạo nhằm nhanh chóng đảm bảo việc cung cấp điện khi một số nguồn điện đang bị chậm tiến độ- ông Bùi Quốc Hùng thông tin.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang