Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế

author 06:37 06/08/2024

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương cho biết, với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 7 tháng năm 2024 đạt những kết quả tích cực, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế trong 7 tháng năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.

Trong 7 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 70,8%.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.

Đáng chú ý, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả ba nhóm hàng: Cụ thể, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước như: cà phê tăng 30,9%; gạo tăng 25,1%; chè các loại tăng 34,8%; rau quả tăng 24,3%; nhân điều tăng 22,1%; hạt tiêu tăng 46,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 12,5%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,3%...

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của nước ta trong 7 tháng năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%.

Về nhập khẩu hàng hóa, trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu, trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết.

Cán cân thương mại hàng hóa trong 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.

Tính theo khu vực thị trường, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 57,5 tỷ USD tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,1 tỷ USD, giảm 14%. Tuy nhiên, nhập siêu từ Trung Quốc là 45,8 tỷ USD, tăng 65,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,7 tỷ USD, tăng 15,7%; nhập siêu từ ASEAN đạt 5,5 tỷ USD, tăng 21%.

Tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu

Bộ Công Thương nhận định, những tháng cuối năm 2024, kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu tiếp tục hồi phục và tăng trưởng khả quan, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024 do lạm phát giảm bớt và nền kinh tế Mỹ tăng tốc; Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu;

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP…

Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XTTM tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.

Đặc biệt, cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; Phối hợp các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về hạ tầng thương mại biên giới và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới tại các địa phương biên giới phía Bắc;

Đồng thời đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam; công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang