Bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

author 21:38 11/12/2021

(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) ban hành Thông tư 03/2021/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Chương trình).

Thông tư nêu rõ nguyên tắc quản lý Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc quản lý Chương trình phải bảo đảm công khai, minh bạch. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khác.

Thông tin về nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình (bao gồm: Tên, mục tiêu, sản phẩm dự kiến, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm, thời gian thực hiện; tóm tắt kết quả thực hiện) được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.

Việc truyền thông về kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Báo chí. Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ thực hiện việc đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện theo các quy định của pháp luật về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ, công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN.

Bộ KH&CN thống nhất quản lý Chương trình và trực tiếp quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ và phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức thực hiện Chương trình; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức thực hiện Chương trình.

Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương hoặc tổ chức, cá nhân đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Chương trình; đề xuất đặt hàng được gửi trực tiếp, trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Cục Sở hữu trí tuệ.

Ngày tiếp nhận đề xuất đặt hàng nhiệm vụ là ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu lên phong bì hồ sơ (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc ngày đóng dấu “đến” của Cục Sở hữu trí tuệ (trường hợp nộp trực tiếp); ngày tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên môi trường điện tử.

Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tiếp nhận đề xuất đặt hàng nhiệm vụ theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ tổng hợp, rà soát các đề xuất đặt hàng và trình Bộ trưởng Bộ KH&CN xem xét, tổ chức hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt, Cục Sở hữu trí tuệ công bố danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng cấp quốc gia trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2021.

Ảnh minh họa 

Trước đó, vào ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Tiếp tục phát huy những kết quả triển khai tích cực của Chương trình trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình đặt ra mục tiêu và nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn, năng lực triển khai của các doanh nghiệp, cộng đồng.

Trong đó mục tiêu chung mà Chương trình cần đạt được là triển khai hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và đưa SHTT thành công cụ quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần tạo dựng văn hóa SHTT trong cộng đồng và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể đã được quy định trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg (như chỉ số đơn đăng ký bảo hộ, khai thác thương mại, chỉ số đóng góp cho GDP ….), Chương trình cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể khác liên quan đến công tác phát triển nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương, hỗ trợ quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và tổ chức KH&CN.

Chương trình đề xuất 06 nhóm nội dung lớn, mỗi nhóm nội dung có các hoạt động cụ thể. Các nội dung chính của Chương trình cũng được đề xuất phù hợp với chu trình cơ bản của hoạt động sở hữu trí tuệ là tạo ra tài sản trí tuệ, bảo hộ, quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ.

Cụ thể, tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Cũng theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan Chủ trì, điều hành, quản lý và tổ chức triển khai hoạt động chung, thường xuyên của Chương trình. Cơ quan thường trực Chương trình là Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức bộ phận làm đầu mối triển khai Chương trình trên cơ sở cân đối, điều chỉnh nguồn nhân lực hiện có của Cục Sở hữu trí tuệ.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang