Chất béo trong đồ ăn nhanh nguy hại cho trẻ em

author 09:46 17/05/2013

(VietQ.vn) – Hầu hết các loại đồ ăn nhanh bán trên thị trường đều giàu năng lượng, nhiều chất đạm, chất béo nhưng lại thiếu rau củ. Nếu trẻ ăn quá nhiều thức ăn nhanh sẽ dẫn tới tình trạng thừa đạm, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, gút…

Cho tới nay, không ai phủ nhận sự ngon lành và tiện lợi mà thức ăn nhanh mang lại cho con người. Bằng chứng là các nhà hàng, quán ăn nhanh mọc lên ngày càng nhiều và được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Đối tượng mà các quán ăn nhanh hướng tới phần lớn là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, thức ăn nhanh có những tác hại không tốt cho sức khỏe mà không phải ai cũng nhận ra.

Theo PGS. TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), trong thức ăn nhanh, đặc biệt là các sản phẩm đóng túi chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe.

Hiện nay, hầu hết các loại mỳ tôm ở Việt Nam đều công khai ghi có sử dụng chất tạo màu E102, là chất không bị tác động bởi nhiệt độ, độ acid (PH), quá trình oxy hóa cũng như ánh sáng mặt trời, nhờ thế được dùng nhiều trong công nghiệp nhuộm màu vải và tạo màu cho thực phẩm nói chung như các loại bánh ngọt, đồ uống có ga, kẹo cao su, snack

Trẻ em ăn một chiếc pizza là đủ năng lượng cần thiết trong cả ngày

Cũng theo ông Thịnh, tại Nhật Bản, chất E102 từ lâu đã bị cấm dùng trong thực phẩm, tại châu Âu cũng đang hạn chế sử dụng. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới khẳng định sự độc hại của phẩm màu vàng E102 trong thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng.

Ngoài ra, trong mỳ ăn liền có chứa một phụ gia được gọi là MSG (monosodium glutamate monohydrate), là loại phụ gia tổng hợp mùi vị, khiến cho món mỳ trở nên ngon miệng hơn, kích thích vị giác tối đa. “Nếu cơ thể bạn là người mẫn cảm, khi ăn vào có thể có các triệu chứng dị ứng như tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, nóng rát ở ngực, lưng và tay”, ông Thịnh cho biết.

Vai trò của chất béo trong các khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày rất quan trọng vì chúng tạo ra màng trao đổi chất, tạo ra mô, đặc biệt là mô thần kinh. Tuy nhiên, chất béo (acid béo) trong đồ ăn nhanh lại rất nguy hại cho trẻ em. Nguyên nhân là vì quy trình chế biến đồ ăn nhanh luôn thực hiện ở nhiệt độ cao khiến dầu chiên bị hydro hóa, sản sinh ra một loại acid béo xấu, có hại cho cơ thể.

Khi loại acid béo xấu này vào cơ thể sẽ làm tăng cholessterol xấu, đồng thời làm hạ cholesterol tốt xuống gây xơ vữa động mạch, đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Rất nhiều chất béo trong thức ăn nhanh

TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định, đồ ăn nhanh như bánh hamburger hay bánh pizza đều rất giàu năng lượng. Thông thường, một phần gà rán có trên 400 - 450 kcalo, một phần hamburger cũng 450 - 460 kcalo, một chiếc bánh pizza có thể cung cấp đến 1.500 kcalo. Vì vậy, nếu một đứa trẻ ăn một chiếc pizza tức là đã đưa vào cơ thể gần đủ năng lượng cần thiết trong một ngày.

Đối với trẻ béo phí, cần nói không với đồ ăn nhanh nhưng không nên nói không với dầu mỡ mà chỉ nên hạn chế. Vì dầu mỡ ngoài cung cấp năng lượng còn là dung môi hòa tan các loại vitamin. Trẻ béo phì cũng có thể uống thêm sữa gầy (sữa bột tách bơ). Ngoài ra, khi chế biến thức ăn cho trẻ béo phì cần làm các món hấp, luộc, không khuyến khích trẻ ăn đói và bỏ bữa. Ngoài đồ ăn nhanh, trẻ béo phì cũng nên loại khỏi thực đơn các loại thịt mỡ hoặc da của các loại da cầm như: gà, ngan, vịt.

Các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyến cáo, trẻ còn có nguy cơ bị thiếu vitamin và khoáng chất nếu sử dụng nhiều đồ ăn nhanh. Vì trong hầu hết các loại đồ ăn nhanh bán trên thị trường đều rất giàu năng lượng, chất đạm, chất béo nhưng lại thiếu rau củ. Vì vậy, nếu trẻ đã ăn các bữa ăn chính mà lại ăn thêm thức ăn nhanh sẽ làm trẻ sử dụng thừa năng lượng. Còn ăn quá nhiều thức ăn nhanh trong tuần thì lâu dài sẽ bị thiếu các vitamin. Khi cơ thể thừa đạm còn dẫn tới tình trạng tăng thải canxi qua nước tiểu, làm tăng nguy cơ sỏi thận, loãng xương, tiểu đường, gút...

Do vậy, các bà mẹ cần tỉnh táo không nên cho trẻ sử dụng thức ăn nhanh một cách thường xuyên, vì sự mất cân đối trong thành phần dinh dưỡng của thức ăn nhanh sẽ ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của cơ thể khi sử dụng lâu dài.

Hà Linh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang