Công nghệ blockchain: 'Bệ phóng' thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt

author 11:30 09/06/2018

(VietQ.vn) - Ứng dụng công nghệ blockchain giúp minh bạch thông tin về nguồn gốc nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các đối tác quốc tế.

Blockchain hỗ trợ hiệu quả truy xuất nguồn gốc

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), sự ra đời của công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền tảng kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong quá trình phát triển của mình, công nghệ blockchain len lỏi vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đặc biệt là các dịch vụ như logicstic hay truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Hải, hiện nay, mọi người mới chỉ biết blockchain qua tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số nhưng ứng dụng còn lớn hơn nhiều.

“Vì vậy, để công nghệ blockchain có thể phát triển có hiệu quả, cần sớm có những sản phẩm ứng dụng blockchain tốt và thiết thực mới có thể phát triển bền vững và hiệu quả”, ông Hải nói.

Ông Đặng Hoàng Hải cho rằng công nghệ blockchain là nền tảng của kinh tế số, động lực căn bản tạo ra cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Bảo Lâm 

Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc chiến lược IBL (Infinity Blockchain Lab) cho hay, có thể hiểu, blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, bởi lẽ thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống.

Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Blockchain hứa hẹn sẽ tạo ra sự đột phá cho kinh tế- xã hội, những hoạt động liên quan tới giao dịch và dữ liệu cần tới tính minh bạch, chia sẻ và an toàn thông tin.

Cũng theo ông Đỗ Văn Long, công nghệ blockchain hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai Chính phủ điện tử. Các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối cũng như cơ quan, tổ chức nhà nước liên quan tới sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm ở Việt Nam cần khai thác tiềm năng của blockchain để có thể phát triển hiệu quả trong tương lai.

“Với sự nỗ lực của nhà nước, của cộng đồng chuyên gia, các doanh nghiệp đang nghiên cứu blockchain..., chúng tôi hy vọng đến năm 2020, song song với việc thế giới sẽ có chính thức các dự án blockchain hoàn thiện thì tại Việt Nam cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi đột phá về công nghệ này”, Giám đốc Chiến lược IBL chia sẻ.

Nông sản bay cao, bay xa nhờ minh bạch thông tin

Theo ông Vũ Trường Ca, nhà sáng lập Công ty cổ phần công nghệ Lina Network, công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

"Khi áp dụng blockchain trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm. Chi phí truy xuất nguồn gốc cũng giảm rất mạnh, thậm chí có thể là 0 đồng. Bởi lẽ chi phí cho bộ giải pháp này không tăng theo số lượng đơn vị sử dụng" – ông Vũ Trường Ca nói.

Còn PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, khi truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì người sản xuất sản phẩm tốt mới có thể đứng vững trên thị trường, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

“Họ sẽ tiếp tục phát huy và như vậy nông nghiệp mới nâng được giá trị. Qua đó, cả chuỗi giá trị mới phát triển và phần lợi ích mà người Việt Nam được hưởng sẽ cao hơn. Có thể thấy, giá trị của sự minh bạch thông tin trong chuỗi cung ứng nông nghiệp quý giá như thế nào”, ông Thành phát biểu.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, hiện truy xuất nguồn gốc mới làm được phần nhỏ. Đại đa số là sản phẩm không rõ nguồn gốc, các sản phẩm có nguồn gốc cũng chưa có giá trị cao. Như vậy, nếu có công nghệ chi phí truy xuất nguồn gốc sẽ được giảm đi đáng kể, tình trạng thật giả lẫn lộn cũng hạn chế đi.

 Ông Bùi Minh Cần, Phó Giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương chia sẻ với báo chí về ứng dụng công nghệ blockchain trong truy nguồn gốc nông sản. Ảnh: Bảo Lâm

Liên quan tới vấn đề trên, ông Bùi Minh Cần, Phó Giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương cũng chia sẻ về việc ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của hợp tác xã xoài Mỹ Xương.

Ông Cần cho biết, với diện tích xoài khoảng 95 ha, khó khăn lớn của hợp tác xã này là trong tiêu thụ, dù gắn tem nhưng vẫn bị làm giả và các con tem không thể hiện rõ nguồn gốc xuất sứ khiến người tiêu thụ không biết nguồn gốc, không thể hiện trái xoài được thu hoạch khi nào.

Tuy nhiên, sau khi hợp tác với công ty IBL để vận dụng tối đa đặc tính minh bạch của blockchain. Các khâu vận chuyển là bài toán khó trước đây đã được giải quyết đưa từng công đoạn lưu trữ trên blockchain và thể hiện trên con tem định danh của trái xoài.

“Hệ thống quản lý blockchain sẽ được kích hoạt thông tin từ thu hoạch ra đại lý phân phối và thông tin không thể thay đổi được, giả mạo tem rất khó khăn. Người tiêu dùng sẽ hài lòng vì chỉ cần sử dụng smartphone có thể quét mã định danh trên trái xoài có thể biết nguồn gốc, thời điểm thu hoạch, biết cách bảo quản... Tất cả đều được thể hiện trên con tem dán trên trái xoài”, ông Bùi Minh Cần nhấn mạnh.

Bảo Lâm

Logistics, truy xuất nguồn gốc sẽ 'cất cánh' nhờ công nghệ blockchain?(VietQ.vn) - Logistics, truy xuất nguồn gốc vốn là lĩnh vực còn non yếu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ 'cất cánh' nhờ ứng dụng công nghệ blockchain - một trong số 12 trụ cột công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang