Xuất khẩu nông sản tiếp tục khó khăn trong 6 tháng cuối năm

author 07:53 26/07/2014

(VietQ.vn) - 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Các chuyên gia dự đoán, tình trạng này sẽ còn kéo dài tới hết năm nay.

6 tháng đầu năm: Thiếu thị trường, dư sản lượng

Sáu tháng đầu năm 2014, sản xuất nông nghiệp nước ta khá thuận lợi khi không phải hứng chịu thiên tai và dịch bệnh, phần lớn nông sản đều được mùa, cho thu hoạch sản lượng cao…Theo Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu các mặt hàng nông sản 6 tháng đầu năm ước đạt 7,17 tỷ USD, đã tăng tới 6,9% so với năm 2013.

Xuất khẩu nông sản gặp khó do căng thẳng Biển Đông

Xuất khẩu nông sản đầu năm gặp khó do căng thẳng Biển Đông. Ảnh minh họa

Nhưng bắt đầu từ tháng 5/2014, những diễn biến căng thẳng trên biển Đông đã khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, như cao su, dưa hấu, thanh long hay vải thiều …vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Xuất khẩu giảm sút, nông sản được mùa nhưng mất giá, nông dân nuốt nước mắt chặt bỏ đi, hoang mang tìm cách trang trải cuộc sống bằng một giống cây trồng khác. Vậy nên mới có những thảm cảnh chặt rừng cao su bán gỗ, chặt bắp cải đổ xuống sông, bỏ thối dưa hấu trên đồng...như báo đài đăng tin những ngày qua.

6 tháng cuối năm: chưa hết khó dù đã ló cái khôn

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong thời gian tới tình hình xuất khẩu nông sản sẽ có dấu hiệu khả quan hơn, trong đó có những mặt hàng quan trọng như gạo, thủy sản, lâm sản. Tuy nhiên, có những mặt hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn và phải có những biện pháp quyết liệt như đối với cao su, thanh long, một số loại rau quả và những mặt hàng tươi sống.

Khó khăn sẽ còn đeo bám xuất khẩu nông sản của nước ta tới cuối năm nay

Khó khăn sẽ còn đeo bám xuất khẩu nông sản của nước ta tới cuối năm nay. Ảnh minh họa

Về vấn đề thị trường Trung Quốc, ông cho biết, Bộ đã rà soát lại về các thị trường và chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật cũng như vận động các nước để mở cửa thị trường.“Ở trong nước, chúng tôi làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, chúng tôi cũng rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất”.

Xuất khẩu nông sản Việt đã có tư duy đổi mới rõ ràng và quyết liệt hơn

Xuất khẩu nông sản Việt đã có tư duy đổi mới rõ ràng và quyết liệt hơn. Ảnh minh họa

Còn theo bà Phan Thị Diệu Hà- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một số thị trường nhập khẩu hàng nông sản truyền thống của nước ta cũng bắt đầu đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, hạn chế nhập khẩu nên hoạt động xuất khẩu nông sản 6 tháng cuối năm có lẽ sẽ gặp những bất lợi nhất định, không chỉ dừng lại là vấn đề Trung Quốc.

Định hướng trong bối cảnh mới

Những diễn biến mới tạo nên bối cảnh mới trong cả chính trị và kinh tế của Việt Nam. Để thích ứng với biển đổi của thị trường ấy, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, doanh nghiệp, người dân và các cá nhân, tổ chức có liên quan cần nhất là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm trong toàn ngành nông nghiệp, hướng tới sản xuất những mặt hàng nông sản chất lượng cao đã qua chế biến, có giá trị cao, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... thay vì sản xuất và xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông sản giá rẻ, chưa qua chế biến, số lượng nhiều như hiện nay, nhẳm làm giảm bớt những phụ thuộc của nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, tìm kiếm và mở rộng những thị trường mới, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho người nông dân.

Phan Huyền (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang