Khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ: 'Động vào tiền của tôi, tôi giết ông!'

authorViết Cường 14:56 16/12/2015

(VietQ.vn) - Qua câu chuyện của vị Phó Giám đốc sở Xây dựng TP Hà Nội mới thấy làm cán bộ quản lý ở thủ đô không hề đơn giản.

Chiều 15/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã giao ban báo chí về kết quả rà soát việc kiểm định chất lượng, cải tạo xây dựng các công trình chung cư cũ (CCC) trên địa bàn.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng

Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng thông tin với báo giới. Ảnh Viết Cường

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có 1.516 CCC có quy mô 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980 và một số ít xây dựng từ trước năm 1954. Riêng tại 4 quận cũ có 935 CCC, số còn lại phân bổ tại 10 quận, huyện. Đến nay, cơ bản quỹ nhà CCC đã chuyển đổi từ hình thức sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân cho người thuê theo Nghị định 61/CP. Tại các CCC, mật độ xây dựng hầu hết đều tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng 1,5 lần; hộ dân sinh sống ở tầng 1 đa số sử dụng làm nơi kinh doanh…

Trả lời báo chí về nguyên nhân cải tạo, xây dựng lại CCC diễn ra quá chậm, đạt tỷ lệ thấp, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sở dĩ tiến độ thực hiện chậm là do các khó khăn về tài chính. Theo các quy định hiện hành, việc sửa chữa CCC là người dân phải đóng góp để xây dựng lại nhà ở của chính mình, tuy nhiên phần nhiều vẫn cho rằng Nhà nước mới có trách nhiệm xây dựng, cải tạo lại.

“Trong khi đó nhà nước không đủ nguồn lực để xây dựng lại toàn bộ nhà CCC. Hơn nữa, để tạo sự công bằng cho xã hội bởi chủ sở hữu là của người dân, trách nhiệm của người dân phải đi làm lại nhà mình chứ. Giống như chúng ta ở nhà riêng lẻ, nhà xuống cấp chúng ta phải tự bỏ tiền túi ra sửa tại sao lại là nhà nước. Nếu nhà nước bỏ tiền ra làm CCC thì những người khác không ở CCC có bức xúc không?”, ông Dũng giải thích.

Lí do nữa được lãnh đạo Sở Xây dựng đưa ra, người dân ở từ tầng 2 trở lên rất đồng tình xây dựng lại CCC nhưng những hộ ở tầng 1 lại không muốn vì họ đã quen kinh doanh ở tầng 1, mà khi xây lại CCC người dân không được sử dụng nữa.

“Trước kia tầng 1 xây để ở, sau đó có nhiều chỗ vị trí đẹp, kinh doanh được nên các hộ mở cửa hàng ra buôn bán. Đây là nguồn sống rất tốt cho nhiều hộ, bởi vậy họ chống quyết liệt cải tạo CCC”, ông Dũng cho biết.

Nguyên nhân khác rất quan trọng khiến tiến độ cải tạo lại CCC chậm là do người dân đòi đền bù cả phần diện tích đã lấn chiếm, cơi nới. Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

chung cư cũ

Nhiều khu tập thể cũ ở Hà Nội đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Phan Anh (Hà Nội mới)

Chia sẻ câu chuyện tại nhà C8 Thành Công (Ba Đình), lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, thành phố đã tổ chức kiểm định và chuẩn bị quỹ nhà tái định cư di dời người dân để đảm bảo cuộc sống cho người dân, nhưng người dân không đồng tình.

“Họ bảo không tin vào kết quả kiểm định của các anh. Tôi nói để các nhà báo thấu hiểu công việc mà các cơ quan ban ngành phải làm”, ông Dũng nói.

Sau đó, thành phố phải mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định lại. Dù kết quả giống như Viện khoa học công nghệ của Hà Nội đã kiểm định, nhưng các hộ dân vẫn không đồng tình.

“Người dân vẫn không chịu di dời ra khỏi khu nhà nguy hiểm đó dù thành phố đã làm hết trách nhiệm của mình rồi”, Phó Giám đốc sở Xây dựng chia sẻ.

Về vấn đề khắc phục tình trạng xuống cấp nhà tái định cư, ông Nguyễn Chí Dũng thông tin: Nhà tái định cư được hình thành từ những năm 2001. Lúc xây dựng Hà Nội chủ yếu sử dụng bằng nguồn vốn qua các quỹ đầu tư của thành phố. Do đó việc sử dụng các nguyên vật liệu cho xây dựng cũng có mức độ.  

“Khi đó chưa có luật nhà ở. Chúng ta xây dựng quyết định 20, có một Công ty quản lý nhà để quản lý toàn bộ quỹ nhà tái định cư thành phố. Thu tiền của mỗi hộ dân chỉ có 30 nghìn đồng/1 tháng, do đó kinh phí vận hành tòa nhà cũng có nhiều bất cập. Từ việc bất cập này khiến cho quản lý chất lượng của nhà tái định cư cũng bị ảnh hưởng”, ông Dũng nói.

Thứ hai, việc sửa chữa, khắc phục sự cố cho các công trình tái định cư, trước nghị định 34, thành phố vẫn lấy kinh phí từ việc kinh doanh dịch vụ của từng tòa nhà tái định cư để thực hiện.

Đến năm 2013, Chính phủ ra nghị định 34, không cho lấy tiền kinh doanh dịch vụ để sửa chữa mà lấy từ tiền đóng góp của người dân và từ quỹ kinh phí bảo trì 2% (từ vài triệu đến vài trăm triệu cho một tòa nhà). Nhưng thường thì người dân không cho lấy quỹ 2% để sửa chữa.

“Các khu nhà tái định cư thành lập ban quản trị rất chậm. Ngày tôi lên làm phụ trách, tôi tiếp xúc với người dân thấy lạ là họ không có trách nhiệm gì với quỹ nhà của mình cả. Bảo thành lập ban quản trị thì họ bảo không, thành lập ban quản trị để nhà nước đẩy chúng tôi ra đường à, nhà nước không có trách nhiệm gì nữa à, thế là họ không thành lập. Mà không thành lập thì Công ty quản lý tòa nhà cũng không biết trả quỹ 2% bảo trì cho ai, thành ra số tiền cứ bị treo ở trên. Nhưng mỗi lần hỏng gì, họp dân bảo lấy tiền 2% đó ra mà sửa thì dân bảo không, đừng có động vào tiền đấy của tôi. Thậm chí có bác gặp tôi còn bảo, động vào tiền của tôi tôi giết ông đấy!”, Phó giám đốc Sở Xây chia sẻ về những khó khăn trong việc cải tạo CCC và nhà tái định cư xuống cấp ở Hà Nội. 

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang