Đồ ăn nhanh: Cái tiện sinh cái hại

author 12:08 16/07/2013

(VietQ.vn) - Đằng sau vẻ hấp dẫn của chiếc đùi gà được tẩm bột và rán vàng óng, nhai dòn tan trong miệng, những dĩa khoai tây vàng thơm ngậy, những lát thịt bò bít-tết vàng nâu hấp dẫn lại tiềm ẩn những nguy cơ không tốt cho sức khỏe.

Nhanh và tiện

Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, các thương hiệu thức ăn nhanh nhanh chóng bùng nổ và trở thành món ăn khoái khẩu trong nhịp sống năng động.
 
Cùng với các món ăn như mỳ, cháo, phở ăn liền và nhiều đồ ăn sẵn đóng gói, đóng hộp khác đều đã trở thành những sản phẩm quen thuộc trong mỗi gia đình thì thức ăn nhanh, với ưu điểm tiết kiệm thời gian, tiện dụng, lại có hình thức và hương vị hấp dẫn, độc đáo, cùng với giá cả phù hợp, đã tạo nên thói quen mới cho một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam. Các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như KFC, BBQ, Lotteria… đã không còn lạ lẫm với người dân tại các đô thị, đặc biệt là giới trẻ.
 
Thức ăn nhanh chứa đựng những tiềm ẩn bệnh tật cao
Thức ăn nhanh chứa đựng những tiềm ẩn bệnh tật cao
 
Với giới trẻ, thưởng thức đồ ăn nhanh còn được “nâng tầm” như một phong cách sống sành điệu. Em Nguyễn Minh Hòa, học sinh lớp 10C, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) hồn nhiên: “Trong lớp em, bạn nào chưa đi ăn KFC hay BBQ thì bị coi là “nhà quê”, để giống phong cách các sao trên thế giới, ngoài chơi facebook thì còn phải ăn fast food”. Trong khi đó, đối với giới sinh viên thì mỳ ăn liền là “người bạn” đồng hành trong suốt thời gian ngồi trên giảng đường. Em Hồng Anh, sinh viên Đại học Thương mại chia sẻ: “Những lúc hết tiền hay phải học ôn thi, không có thời gian nấu nướng, chúng em hay dùng mỳ ăn liền. Hiện nay, có rất nhiều loại mỳ, với nhiều hương vị khác nhau, ăn nhiều vẫn không thấy chán…”.
 
 Ngày càng có nhiều bà nội trợ, trẻ em trở thành “tín đồ” của thức ăn nhanh và thực phẩm đóng gói tiện dụng. Sau 8 tiếng đồng hồ bận rộn ở cơ quan, nhiều người lựa chọn một chiếc bánh pizza hay mua bánh mỳ, cùng với đồ ăn sẵn như xúc xích, thịt hộp, thịt hun khói, làm mỳ tôm xào… để cả nhà cùng thưởng thức.
 
Lợi bất cập hại
 
Đa phần các loại thức ăn nhanh kiểu này được chế biến theo cách chiên trong dầu, nên một đặc điểm chung của các loại thức ăn nhanh này là rất giàu năng lượng... 
Một đùi gà rô ti hoặc một phần bánh mì bít-tết cung cấp 800 kcalo trong đó có 80g chất béo, một phần cánh gà tẩm bột chiên giòn gồm 3 cánh gà cung cấp đến 1.000 kcalo và trên 100g chất béo, một dĩa khoai tây chiên nhỏ cũng cung cấp đến 300 kcalo... 
 
Một khẩu phần fast food kiểu Mỹ gồm một bánh hambuger kẹp thịt băm chiên, một phần khoai tây chiên và một lon nước ngọt sẽ cung cấp 1.800kcalo, tức là bằng lượng calo cần thiết cho một người trưởng thành lao động nhẹ trong cả một ngày. 
 
Một người ăn khoẻ có thể một mình ăn đến 2-3 suất như vậy, tức là đưa vào cơ thể gấp 2-3 lần năng lượng cần thiết hàng ngày. Nếu cộng thêm các bữa ăn khác như ăn sáng, trưa, ăn phụ thì năng lượng khẩu phần sẽ vượt lên đến mức đáng lo ngại. 
 
Ăn một vài ngày còn chưa sao, nhưng một vài mươi ngày thì dễ dàng dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì với hàng loạt nguy cơ bệnh lý liên quan đến dư thừa dinh dưỡng như rối loạn chuyển hoá mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim...
 
Một điều  nữa là lượng đạm trong khẩu phần fast food cũng rất cao. Một phần gà rán có thể nặng đến 400-500g thịt, một phần bánh hambuger cũng chứa đến 200-300g thịt bò, thịt gà, một lát bít-tết theo đúng kiểu... Tây có khi nặng đến 400-500g thịt bò!
 
Lượng đạm này vượt xa nhu cầu khuyến nghị về việc sử dụng chất đạm hàng ngày là mỗi người bình thường mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 15% năng lượng khẩu phần từ chất đạm. 
 
Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày, mỗi người trưởng thành bình thường không được ăn vượt quá 30g đạm trong đó chỉ có 15g đạm động vật tương đương khoảng 120-150g các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc động vật. 
 
Việc ăn quá nhiều đạm so với nhu cầu sẽ dẫn đến việc gia tăng công năng hoạt động của thận, làm giảm tuổi thọ của thận. 
 
Ăn đạm nhiều làm tăng thải can-xi qua đường thận, làm tăng nguy cơ sỏi thận, loãng xương. Ăn đạm nhiều cũng là điều kiện có ý nghĩa cho việc tích tụ axit uric trong các khớp của cơ thể và gây bệnh goute (bệnh thống phong).
 
Bác sỹ Lê Thị Tình, Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thức ăn nhanh gồm 2 loại: thức ăn nhanh công nghiệp (mỳ, cháo, phở ăn liền, bánh snack, khoai tây chiên, nước ngọt…) và thức ăn nhanh bán công nghiệp (gà rán, hamburger, bánh pizza...). Đây là loại thức ăn có hàm lượng năng lượng cao, nhiều đạm, nhưng lại nhiều muối, ít vitamin, thiếu chất xơ và khoáng chất, do vậy không cân đối được các chất dinh dưỡng. Những người thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, cơ thể sẽ dư thừa năng lượng và chất béo, tạo nên tình trạng thừa cân, béo phì dẫn tới các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim.
 
Theo PGS. TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), trong thức ăn nhanh, đặc biệt là các sản phẩm đóng túi chứa nhiều chất phụ gia không tốt cho sức khỏe.
 
Hiện nay, hầu hết các loại mỳ tôm ở Việt Nam đều công khai ghi có sử dụng chất tạo màu  E102, là chất không bị tác động bởi nhiệt độ, độ acid (PH), quá trình oxy hóa cũng như ánh sáng mặt trời, nhờ thế được dùng nhiều trong công nghiệp nhuộm màu vải và tạo màu cho thực phẩm nói chung như các loại bánh ngọt, đồ uống có ga, kẹo cao su, snack…
 
Cũng theo ông Thịnh, tại Nhật Bản, chất E102 từ lâu đã bị cấm dùng trong thực phẩm, tại châu Âu cũng đang hạn chế sử dụng. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới khẳng định sự độc hại của phẩm màu vàng E102 trong thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, trong mỳ ăn liền có chứa một phụ gia được gọi là MSG (monosodium glutamate monohydrate), là loại phụ gia tổng hợp mùi vị, khiến cho món mỳ trở nên ngon miệng hơn, kích thích vị giác tối đa.
 
“Nếu cơ thể bạn là người mẫn cảm, khi ăn vào có thể có các triệu chứng dị ứng như tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, nóng rát ở ngực, lưng và tay”, ông Thịnh cho biết.
 
Không thể phụ nhận tính tiện dụng của loại thức ăn này. Nhưng đằng sau sự hấp dẫn, tiện dụng của thức ăn nhanh, thực phẩm đóng túi, là những nguy cơ không tốt cho sức khỏe.
 
Ngọc Anh
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang