Các nhà khoa học hội tụ, hiến kế cho hoạch định chính sách quốc gia

author 06:33 16/12/2016

(VietQ.vn) - Tại Hà Nội hơn 500 nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý...trong đó có hơn 100 học giả quốc tế, dự hội thảo Việt Nam học lần 5.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

GS.TS Vũ Minh Giang (ĐH Quốc gia Hà Nội, người chủ trì tổ chức năm kỳ hội thảo quốc tế Việt Nam học từ năm 1998 đến nay) cho biết các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước sẽ công bố những kết quả nghiên cứu mới, tập trung thảo luận, trao đổi về các chủ đề thuộc sáu nhóm lĩnh vực. 

Cụ thể, hội thảo tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên ngành: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu.Theo ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 nhận được 700 báo cáo tóm tắt, trong đó có gần 500 báo cáo toàn văn.

Hội thảo Việt Nam học diễn ra tại Hà Nội hơn 500 nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý. Ảnh Bùi Tuấn

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự trân trọng đối với đóng góp của các nhà nghiên cứu về Việt Nam. Những người không chỉ có lòng say mê khoa học, có trí tuệ mà còn đặc biệt có tấm lòng nồng hậu, luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam. Những nghiên cứu, đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học trong các hội thảo trước đây đã cung cấp rất nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong công tác hoạch định chính sách, chủ trương phát triển đất nước. Các nhà khoa học còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, làm cho thế giới nhìn nhận, đánh giá Việt Nam tường tận hơn, chính xác hơn.

Phó Thủ tướng cũng mong rằng, các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam, các nhà Việt Nam học quốc tế sẽ giữ vai trò hạt nhân, cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức của Việt Nam đưa văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới và đưa việc nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.

Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của sự phát triển và hội nhập, của những thách thức riêng mang tính quốc gia, tính khu vực và những thách thức có tính toàn cầu như: tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bài toán về phát triển bền vững và tốc độ tăng trưởng, sự hòa hợp của quốc tế và khu vực trong giải quyết khủng bố, đói nghèo, các vấn đề văn hóa, tôn giáo và các dịch bệnh hay sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, một mặt, thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày và trao đổi về những kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp trước các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, mặt khác, thảo luận nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Chủ đề chính của Hội thảo lần này là “Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”, thể hiện sự nắm bắt nhu cầu học thuật và nhu cầu thực tiễn phát triển Việt Nam. Chủ đề của Hội thảo như vậy đã nhấn mạnh tới việc nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, đặt nghiên cứu Việt Nam trong các tương quan và bối cảnh rộng lớn của thế giới.

Theo kế hoạch, các kết quả của hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia, giải quyết những vấn đề thời sự của đất nước.

Hàng trăm nhà khoa học lừng danh trên thế giới đến Việt Nam(VietQ.vn) - Có khoảng 250 nhà khoa học từ gần 40 nước về dự Hội nghị khoa học quốc tế thường niên về Lý thuyết và Ứng dụng của Bảo mật và An toàn thông tin năm 2016
 Lê Huy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang