Người Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn tới chất lượng hàng hóa, sản phẩm

author 16:42 30/01/2018

(VietQ.vn) - Người tiêu dùng Việt ngày càng coi trọng chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống.

Số liệu từ cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cho thấy, người tiêu dùng trong nước đang ngày càng coi trọng tính an toàn của sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm và đồ uống.

Từ 71% đến 87% người tham gia khảo sát nói sẽ dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm để quyết định mua các mặt hàng trên tùy theo từng ngành hàng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng dè dặt hơn với những sản phẩm có xuất xứ từ những quốc gia có nhiều tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, những lo ngại của người tiêu dùng khi mua thực phẩm, nông sản, bánh kẹo, đồ uống tập trung vào những rủi ro liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm: sử dụng chất cấm; nguyên liệu, quy trình sản xuất không hợp vệ sinh; có tồn dư hoá chất độc hại trong sản phẩm. Những quan ngại này hoàn toàn áp đảo các lo lắng về hàng giả, hàng nhái hay tự ý thay đổi hạn sử dụng…

Người tiêu dùng Việt đã ý thức sâu sắc hơn về việc chọn lựa hàng hóa an toàn, chất lượng. Ảnh: Tạp chí Tài chính 

Thông tin trên cũng khá tương đồng với khảo sát về top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt năm 2017 do Nhà nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện. Theo nghiên cứu của Nielsen, yếu tố đóng vai trò quyết định với người mua hàng là sản phẩm có lợi cho sức khoẻ hoặc sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên (77%).

Liên quan tới kết quả này, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, thực tế cho thấy khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho những sản phẩm an toàn. Và dù có lợi thế là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu nông – thủy sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế, vẫn chưa mấy phát triển.

Một trong những nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp nội địa so với các nhà sản xuất khác trên thế giới.

Kết quả khảo sát Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2018 còn cho thấy, sản phẩm trong nước dù vẫn ưu thế trên thị trường với tỷ lệ số đông người yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 51% và 60% nhưng nếu so với kết quả khảo sát năm 2017 thì tỷ lệ này đã giảm khá mạnh (giảm 27% và 32%).

Theo chuyên gia, bên cạnh “tâm lý sính ngoại” trong một bộ phận người tiêu dùng, những tai tiếng về chất lượng của hàng Trung Quốc và sự thiếu minh bạch, thiếu chân chính trong làm ăn của doanh nghiệp Việt cũng khiến cho niềm tin của người tiêu dùng vào nhiều thương hiệu nội địa có phần bị lung lay.

Trên thực tế, hàng hóa từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam một cách rất căn cơ, cùng với sự song hành của các chuỗi bán lẻ lớn như B’smart, Big C, Mega Market, Robinson, 7-Eleven, Aeon Mall, Central Group…

Không chỉ mất lợi thế khi hàng loạt không gian kết nối với người tiêu dùng Việt bị các đại gia nước ngoài “thâu tóm”, nhiều thương hiệu Việt uy tín lại còn phải đang chật vật trước vấn nạn hàng gian, hàng giả.

Bảo Bình

Thị trường Tết: Lo ngại chất lượng thực phẩm ‘nhà làm’(VietQ.vn) - Cận tết, thị trường các loại thực phẩm trở nên nhộn nhịp. Thế nhưng, bên cạnh những sản phẩm đảm bảo chất lượng thì không ít người tiêu dùng lo ngại mua phải hàng kém chất lượng, tự gắn mác “nhà làm”...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang