Những mảng màu nổi bật trong bức tranh kinh tế thế giới năm 2015

author 18:03 20/12/2015

(VietQ.vn) - Năm 2015 chứng kiến một bức tranh đầy màu sắc về nền kinh tế thế giới với nhiều sự kiện nổi bật như Fed tăng lãi suất, cuộc chiến ‘trừng phạt kinh tế’ của Nga – phương Tây,…

Nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015 nhìn chung vẫn chưa bước ra khỏi thời kỳ suy thoái, dẫu rằng đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan. Sau đây là 5 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2015 Chất Lượng Việt Nam bình chọn.

Hoàn tất đàm phán TPP

Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, hiệp định thương mại giữa 12 thành viên châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức ký kết vào ngày 5/10. Được xem là hiệp định của thế kỷ, TPP quy tụ các quốc gia đang nắm giữ tới 40% GDP toàn cầu, và có thể giúp kinh tế toàn cầu gia tăng thêm 300 tỷ USD mỗi năm. Theo kế hoạch, TPP có thể được ký kết trong quý I/2015, và chính thức có hiệu lực trong 18-24 tháng sau khi đàm phán hoàn thành.

Đàm phán TPP kết thúc sau 5 năm là một trong những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2015

Đàm phán TPP kết thúc sau 5 năm là một trong những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2015

Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng nhiều lợi ích từ TPP nhất, do là nền kinh tế có trình độ thấp nhất trong nhóm. Tuy vậy, với tính chất mở cửa sâu rộng với các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và xuất xứ nội khối, hiện định cũng mang tới nhiều thách thức cho các quốc gia tham gia.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ

Tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc Shanghai Composite Index thiết lập mức đỉnh cao nhất lịch sử. Nhưng chỉ một tháng sau đó, chứng khoán nước này mất một nửa số điểm tích lũy. Thứ Hai ngày 24/8, hơn 800 cổ phiếu giảm kịch sàn biên độ 10% trên sàn Thượng Hải khiến chỉ số này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, xóa sạch thành quả tăng điểm từ đầu năm. Kết quả này đi ngược lại với tất cả nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc khi chi tới 6.000 tỷ USD để vực dậy thị trường.

Tác động của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khiến các quốc gia khác chịu ảnh hưởng mạnh. Chứng khoán châu Âu mất điểm sâu nhất kể từ năm 2008, khi chỉ số European Stoxx 600 của 18 nước thuộc liên minh châu Âu mất 6% chỉ trong buổi sáng thứ hai. Khoảng 91 tỷ bảng (tương đương 150 tỷ USD) đã bốc hơi khỏi nhóm cổ phiếu thuộc FTSE 100 - nhóm cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ kéo theo nền tài chính toàn cầu chao đảo

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ kéo theo nền tài chính toàn cầu chao đảo

Chứng khoán Mỹ tiếp diễn ngày thứ Hai đen tối của thị trường toàn cầu ngay khi tiếng chuông mở cửa trên sàn New York. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm, đánh dấu một trong những lần lao dốc lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ nhiều năm trở lại đây. Sau đợt suy giảm vào tháng 8, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn chứng kiến những cơn sốc chỉ số vào tháng 9 và mới đây là tháng 11.

Giải cứu nợ Hy Lạp thành công

Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã khiến nước này trong năm qua phải tiến hành bầu cử trước thời hạn, trải qua những ngày khốn khó chưa từng có trong lịch sử với 2 tuần gần như “đóng băng” hệ thống ngân hàng vì không có tiền mặt cũng như phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem có nên “dứt áo ra đi” khỏi khối EU.

Khủng hoảng nợ Hy Lạp từng làm “đau đầu” các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)

Khủng hoảng nợ Hy Lạp từng làm “đau đầu” các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)

 Sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy người dân nước này vẫn mong ở lại EU, Hy Lạp đã có rất nhiều các cuộc đàm phán với các chủ nợ EU và tháng 7 vừa qua, các lãnh đạo Eurozone và Hy Lạp cuối cùng cũng đạt được đồng thuận về một gói giải cứu, trong đó các ngân hàng Hy Lạp sẽ được “bơm” khẩn cấp 25 tỷ euro. Tháng 8, chính quyền Athens và các chủ nợ tiếp tục đạt được thỏa thuận về gói giải cứu cung cấp tới 86 tỷ euro (94 tỷ USD).

Các thỏa thuận này đã khép lại thời kỳ đàm phán vất vả của Hy Lạp suốt thời gian qua. Nước này đã phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của nhóm chủ nợ trong suốt nửa năm 2015 và sau đó đã phải nhượng bộ trước nguy cơ bị buộc rời khỏi eurozone.

Cuộc chiến ‘trừng phạt kinh tế’ của Nga và phương Tây

Năm 2015 tiếp tục chứng kiến cuộc chiến ‘trừng phạt kinh tế’ chưa có điểm dừng giữa hai đối trọng Nga và phương Tây. Những gói trừng phạt mới với Nga vẫn tiếp tục được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu cáo buộc Moscow phải chịu trách nhiệm cho tình hình Ukraine ngày càng căng thẳng, tiếp đó là sự can thiệp của Điện Kremlin vào tình hình Syria.

Những đòn trừng phạt của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga vào khốn khó chưa từng thấy. Ngày 19/10, chính quyền Nga thừa nhận nền kinh tế nước này tăng trưởng âm 4,3% trong quý 3-2015 do giá dầu thô sụt giảm và cấm vận phương Tây. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm siêu cường Nga mất tới 100 tỷ USD mỗi năm.

Trong những sự kiện kinh tế nổi bật 2015, không thể không nhắc tới cuộc chiến ‘trừng phạt, cấm vận’ của Nga và phương Tây

Trong những sự kiện kinh tế nổi bật 2015, không thể không nhắc tới cuộc chiến ‘trừng phạt, cấm vận’ của Nga và phương Tây

Tuy nhiên, Nga có phải là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các biện pháp trừng phạt này hay không lại là một câu hỏi không dễ trả lời khi hơn 45% tổng lượng xuất khẩu của Nga là sang Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, chỉ chưa đầy 3% xuất khẩu của châu Âu được đưa vào Nga.

Điều này giải thích vì sao Đức, Pháp, các nước khác trong EU như Na Uy, Thụy Điển… cũng thiệt hại nặng nề do các biện pháp trả đũa của Nga. Trong những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu của Đức sụt giảm 30% so với cùng kỳ hai năm trước đó. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Na Uy sụt giảm nghiêm trọng, mất 11% lợi nhuận từ doanh thu bán cá. Kinh tế Thụy Điển lỗ 173 triệu USD do các lệnh cấm vận này…

Chưa kể, đáp lại các đòn trừng phạt của phương Tây, Moscow còn giang tay đón thêm nhiều đối tác mới, xây dựng các liên minh kinh tế với Trung Quốc, các nước châu Á và Trung Đông… Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, cuộc chiến “lệnh cấm vận” đã không mang lại chiến thắng cho bất cứ bên nào.

FED tăng lãi suất sau gần 1 thập kỷ

Sau 2 ngày nhóm họp, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 16/12 (giờ địa phương, tức rạng sáng 17/12 theo giờ Việt Nam) quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên 0,25%-0,5%. Đây là lần đầu tiên FED tăng lãi suất sau gần một thập kỷ.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, những gì xảy ra ở Mỹ gây tác động tới nhiều nơi ở khắp thế giới. Dù lãi suất FED quy định là lãi suất mà các ngân hàng Mỹ thanh toán cho nhau cho các khoản vay qua đêm, nó lại đặt cơ sở cho lãi suất dài hạn trên khắp hệ thống tài chính toàn cầu từ các khoản vay mua nhà và xe hơi đến các khoản vay dành cho doanh nghiệp và nợ quốc gia.

Sự kiện FED tăng lãi suất sau gần 1 thập kỷ gây tác động tới hệ thống tài chính toàn cầu

Sự kiện FED tăng lãi suất sau gần 1 thập kỷ gây tác động tới hệ thống tài chính toàn cầu

Các chủ sở hữu nhà có thế chấp hoặc các doanh nghiệp mắc nợ sẽ cần phải tính đến chi phí trả nợ cao hơn. Về mặt tích cực, những người tiết kiệm bao năm qua nhận được lãi suất huy động rất thấp có thể sẽ được đền bù tốt hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi. Lãi suất đồng USD cao hơn có thể khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Các nước có thể cũng phải trả nhiều hơn cho những khoản nợ vay bằng USD.

Minh Thùy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang