Tăng cường hàng rào kỹ thuật để tránh rủi ro khi gia nhập CPTPP

author 06:30 31/03/2018

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, để ngăn cản những rủi ro mà các doanh nghiệp nước ngoài tạo gia khi Việt Nam tham gia CPTPP, cần phải tăng cường thêm các hàng rào kỹ thuật.

CPTPP mang theo nhiều thách thức

Nói về thách thức của Việt Nam khi tham gia ký kết Hiệp định Đối tác và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường mới, tăng trưởng xuất khẩu, từ đó tăng đầu tư và việc làm. Tuy nhiên thách thức từ cạnh tranh cũng tăng lên, điển hình là thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may để đáp ứng nguyên tắc xuất xứ từ “sợi trở đi”.

Một khó khăn khác được ông Tùng chỉ ra là đối với các mặt hàng của một số nước thành viên CPTPP có nhiều nét tương đồng với những mặt hàng vốn được coi là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, do đó, các nước này sẽ tìm cách bảo hộ sản phẩm trong nước bằng cách tạo ra các rào cản kỹ thuật, gây khó khăn cho hàng hóa của Việt Nam.

Đồng thời, chính hàng hóa nước họ cũng cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt khi cùng xuất khẩu tới một nước thành viên khác của CPTPP, nhất là các mặt hàng như dệt may, giày dép…

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khó khăn còn nằm ở chỗ có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu thấu đáo và chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình tham gia CPTPP. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, vào năm 2017, các doanh nghiệp cũng chủ yếu tập trung vào việc tìm hiều các cơ hội về cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 nên việc tìm hiểu và chuẩn bị cho Hiệp định CPTPP chưa nhiều.

Doanh nghiệp cần ứng phó thế nào?

Ông Ngô Chung Khanh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, để ứng phó với thách thức từ CPTPP, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất trong nước cũng như thu hút các FDI nhằm tạo nguồn cung nguyên vật liệu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, để hàng hóa sản xuất ra khi xuất khẩu có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn theo cam kết trong CPTPP.

Ở một ý kiến khác, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đánh giá hiện doanh nghiệp nước ngoài có những thuận lợi hơn doanh nghiệp trong nước về trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu, tài chính tốt… Tuy nhiên, cũng nên nhìn thẳng vào sự thật là tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn rất yếu, liên kết với nhau rất kém.

Cần thiết lập thêm các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa ngoại nhập. Ảnh: VGP 

Do vậy, để tận dụng cơ hội từ CPTPP, khối doanh nghiệp trong nước phải xây dựng chiến lược dài hạn, liên kết mới có thể giúp nhau tham gia vào chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp lớn dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi giá trị của mình.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền – Thành viên nhóm Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh, để tận dụng được cơ hội CPTPP đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực thâm nhập hàng hóa, phát triển kinh doanh ra bên ngoài bằng việc cải tiến công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá cả cạnh tranh, tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối nội địa vững chắc.

Để thực hiện được định hướng đó, cần đến sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nội địa thông qua vai trò của các hiệp hội ngành nghề, cũng như những nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách nhà nước, tăng cường thông tin chính sách giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật.

Bên cạnh đó, các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa cần trọng tâm vào việc tạo lập các “hàng rào kỹ thuật , kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để tình trạng doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa như trong thời gian qua.

Bảo Bình

Cánh cửa CPTPP được mở, có chất lượng nông sản mới vào được các nước (VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, nông sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang