Tăng năng suất lao động trong kỷ nguyên 4.0: Không lảng tránh thách thức!

author 16:22 31/10/2018

(VietQ.vn) - Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đây cũng là câu chuyện chưa bao giờ hết "nóng" trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

 Các chuyên gia chia sẻ vấn đề tăng NSLĐ ở Việt Nam hiện nay.

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 khởi đầu đã có những tác động nhất định đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Hiện nay, lực lượng lao động tại nước ta khá dồi dào (ước khoảng 56 triệu người), năng suất lao động (NSLĐ) và GDP bình quân đầu người đang có xu hướng tăng. Đây là những tín hiệu đáng mừng, nhưng chúng ta chưa thể hài lòng bởi chất lượng và NSLĐ của nước ta hiện nay vẫn ở thứ hạng thấp so với khu vực.

Nhiều ý kiến phân tích, bình luận tập trung vào vấn đề NSLĐ. Đặc biệt, làm sao để tăng NSLĐ trong bối cảnh KH&CN phát triển như vũ bão?

Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) ghi nhận các ý kiến, đề xuất từ các chuyên gia xoay quanh vấn đề này.

Lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng?

 TS. Nguyễn Văn Thuật - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: NCIF

Theo kết quả nghiên cứu, vị thế của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ nước ta ngày càng được khẳng định, nhưng cầu loại hình lao động này nói chung ngày càng giảm mạnh tạo nên bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng lớn nếu chúng ta không có giải pháp đột phá và mang tầm chiến lược.

Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng. Bởi có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hàng năm của nước ta gần như không giảm (ở các năm 2015-2017) hoặc giảm còn rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn 2012-2017. Đây thực sự là báo động “đỏ” với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0. Cụ thể, lực lượng lao động của nước ta năm 2017 đã tăng thêm 2,9 triệu người so với năm 2012, trong khi lao động giản đơn chỉ giảm được 0,5 triệu người năm 2017 so với năm 2012.

Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và được cho là không dễ khai thông trong “một sớm một chiều” bởi một lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua.

Hiện nay, để tăng NSLĐ, việc cấp bách là phải giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn lại để gia tăng nhanh lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Đây là yêu cầu khách quan, cũng là cơ hội tốt để nước ta giảm nguồn cung lao động lớn về lượng, thấp về chất bằng cách đào tạo, bồi dưỡng có chọn lọc nguồn nhân lực này.

Cụ thể là đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cho lao động giản đơn vừa để đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, vừa là cơ sở để mỗi lao động tự khẳng định mình để có thể gia nhập vào vị thế của loại hình lao động cao hơn mà sự phát triển đang cần, vừa để thúc đẩy bình đẳng xã hội, vừa để tận dụng tối đa cơ hội mà CMCN 4.0 tạo ra. Nếu không, nước ta sẽ đối diện với nguy cơ về một bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng phình ra trong nền kinh tế với nhiều tiềm ẩn khó lường do thích nghi thụ động vào sân chơi của CMCN 4.0.

Dự báo tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 đến thị trường lao động Việt Nam

 PGS. TS. Vũ Quang Thọ - Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Laodong

CMCN 4.0 được cho là cuộc cách mạng thần kỳ về kỹ thuật. Nó hỗ trợ con người, giảm sức lao động, tạo ra hàng loạt chuyển biến tích cực về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc cách mạng, sẽ dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác. 

CMCN 4.0 đã và đang dẫn đến nhiều thay đổi việc làm trong mọi lĩnh vực, tiêu biểu như: ngân hàng; thương mại, dịch vụ, giải trí; viễn thông; giao thông công cộng; y tế; giáo dục; nông nghiệp; ngành dệt may, da giày, điện tử.

Nhiều việc làm có thể được tự động hóa và mất đi. Thay vào đó là các loại việc làm mới ra đời, bao gồm: việc làm thiết kế các hệ thống tự động hóa (tạo ra robot + trí tuệ nhân tạo, tạo ra hệ thống kết nối tự động, tạo ra các bộ cảm ứng và phản ứng lại môi trường, nâng cấp và cải tiến các hệ thống này…); việc làm thiết kế và vận hành in 3D; việc làm kết nối (nền kinh tế chia sẻ); việc làm đòi hỏi tình yêu thương thực sự của con người (các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý, trông trẻ sơ sinh); việc làm đòi hỏi sự cảm thông (hòa giải viên, thẩm phán); việc làm đòi hỏi sự sáng tạo (nghĩ ra cái mới thực sự); việc làm đòi hỏi tư duy phản biện (không chấp nhận kiến thức như nó vốn có); việc làm của các chuyên gia trong các lĩnh vực phân tích rủi ro, phân tích dữ liệu lớn, lựa chọn giải pháp...

Theo tôi, một số giải pháp thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh hiện nay như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động về bản chất, nội dung và yêu cầu của CMCN 4.0 và tác động của nó đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động - việc làm theo hướng vừa tích cực có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì và tiếp tục phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, hỗ trợ người lao động trong đào tạo và tái đào tạo để thích ứng với bối cảnh mới.

Thứ ba, trang bị tay nghề, giáo dục thái độ lao động mới để người lao động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu việc làm cả hiện tại và sau này.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, có cơ chế thúc đẩy sự kết nối giữa cung và cầu lao động, bảo đảm cầu lao động định hướng cho cung một cách hiệu quả.

Không thể lảng tránh các thách thức mà cần đối mặt và vượt qua nó

 PGS. TS. Bùi Văn Huyền - Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: KTQD

Để tăng NSLĐ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, việc đảm bảo an sinh xã hội là vấn đề vô cùng quan trọng, đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội. Tuy nhiên, chúng ta không thể lảng tránh các thách thức đó mà cần đối mặt và vượt qua nó. Một trong những chiến lược thông minh để vượt qua các thách thức đó là tận dụng các cơ hội mà chính cuộc cách mạng này đem lại đối với chính sách an sinh xã hội.

PGS.TS Bùi Văn Huyền đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm mục đích không chỉ đảm bảo an sinh xã hội, mà còn góp phần vào việc gia tăng NSLĐ Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0: Chính sách giáo dục của Việt Nam cần được thay đổi để đáp ứng nhu cầu kỹ năng mới của cuộc CMCN 4.0; Áp dụng kết hợp công nghệ dữ liệu cỡ lớn và công nghệ học tập của máy móc để có được một chính sách an sinh xã hội đảm bảo an sinh trong vòng đời của người dân; Xây dựng nền tảng số cho chính sách an sinh xã hội đem lại việc làm cho người lao động ở nhiều trình độ kỹ năng khác nhau; Định hình mô hình an sinh xã hội mới của Việt Nam trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất của CMCN lần thứ tư…

Suy cho cùng, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tăng NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. NSLĐ cao đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, chống tụt hậu so với các nước trong khu vực. Đối với Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung, câu chuyện tăng NSLĐ dường như chưa bao giờ hết “nóng”!

Tọa đàm trực tuyến: Chia sẻ thành công từ những mô hình điểm về năng suất chất lượng(VietQ.vn) - Ngày 2/11/2018, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm trực tuyến chia sẻ thành công từ những mô hình điểm về năng suất chất lượng.

Ngọc Xen

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang