Thảo dược chữa bách bệnh 'đổ đống' trên vỉa hè ở TP.HCM

author 15:02 18/04/2016

(VietQ.vn) - Gần đây, tại TP.HCM xuất hiện nhiều loại cây cỏ được người bán quảng cáo là 'thảo dược chữa bách bệnh', bán kiểu đổ đống, kéo lê ngoài đường phố…

Thảo dược đổ đống vỉa hè

Theo nguồn tin của báo Tiền Phong, lợi dụng các hội chợ có uy tín, nhiều gian hàng thuốc Đông y, thuốc gia truyền chen chân vào bán hàng. Tại Festival tổ chức ở công viên Gia Định (Q. Gò Vấp, TP.HCM) gần đây, gian hàng thuốc “gia truyền dân tộc Dao Ba Vì” của một người tự xưng lương y thu hút khá đông khách nữ. Thấy có khách than thở mặt có nhiều mụn, người này bảo do nóng gan, nóng thận nên cho gói chữa nóng gan thận… để trị mụn.

Gói thuốc nhỏ bằng bàn tay đã được nghiền nát như cám, bao nhựa đóng gói bằng cách hơ lửa và có dấu hiệu tháo gỡ nhiều lần, bên trên có tờ giấy hướng dẫn sử dụng rất sơ sài. Thành phần gói thuốc có râu ngô, bông mã đề, giảo cổ lam, cà gai leo, diệp hạ châu và một số thuốc dân tộc khác với thời hạn sử dụng một năm, giá 70.000 đồng/gói. Ngoài ra không có đơn vị nào chứng nhận, cấp phép. Nhiều người có ý định mua khi liên hệ với số điện thoại của người đứng tên lương y V.T.H đều không liên lạc được.

Không chỉ ở các hội chợ mà gần đây, TP.HCM thường xuất hiện đội quân bán thảo dược dạo đưa hàng đến tận các hang cùng ngõ hẻm, vào tận nhà dân chào mời. Từng bọc thuốc khô đã được xắt lát, không có bất cứ thông tin gì, được bán với giá từ 70.000 đồng – 100.000 đồng/bọc. Người bán cho tất cả các bọc cây khô lên xe kéo dọc các con phố nhỏ rao hàng.

Chị Hải (ngụ tại Q. Bình Tân) kể: “Nghe người bán giới thiệu bịch cây nhân sâm này chỉ cần đem sao ngâm rượu hoặc nấu nước uống thì trị được bá bệnh nên mình mua về uống thử. Thực sự tôi chỉ nghe theo người bán nói thôi chứ rễ cây đã được xắt nhỏ thì làm sao biết có phải nhân sâm thật hay không. Để nguyên cây còn không biết, giờ xắt lát nữa thì… chịu thua”.

Tại góc đường Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q. Gò Vấp), hàng chục loại “thảo dược” đổ đống, được bày bán trên vỉa hè. Bên cạnh những củ nghệ, củ “sâm” bám đầy đất cát, còn có những lọ bột nghệ, dâu tằm ngâm đường… được pha chế sẵn. Giá mỗi loại từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Trên đường Hòa Bình (Q. Tân Phú) cũng có nhiều điểm bán “dâu tằm Đà Lạt chuyên chữa đau lưng, nhức mỏi, xương khớp, mất ngủ…”, giá 45.000 đồng/kg, thu hút nhiều người mua.

Nhiều loại thảo dược đổ đống trên vỉa hè với quảng cáo trị được bách bệnhNhiều loại thảo dược đổ đống trên vỉa hè với quảng cáo trị được bách bệnh. Ảnh: Tiền Phong

Coi chừng mất mạng

Để tìm hiểu ngọn ngành số thảo dược “bán dạo” vỉa hè, phóng viên của báo Phụ nữ Online đã tới phòng khám Tuệ Lãn (Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM). Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM thuốc Đông y đồng thời là chủ phòng khám cho biết, thuốc đông y đã tán thành bột thì khó biết được thành phần. Thuốc bột chỉ có hạn dùng trong 6 tháng trở lại, để lâu hơn sẽ biến chất. Lương y Nghĩa nhấn mạnh, Đông dược để riêng từng loại thì khác, khi trộn chung với nhau sẽ sinh ra phản ứng nên cần chính xác tỷ lệ % từng loại, thuốc phải được đóng bao bì kỹ lưỡng, tránh ánh nắng.

Riêng gói “thuốc trị bệnh phụ khoa”, có thành phần gồm ngũ trảo, kinh giới, hoắc hương, bạc hà… đều là những loại thuốc thông thường dùng tắm, xông trị ngứa, nhưng không rõ thuốc được sơ chế, bảo quản có đảm bảo chất lượng, vệ sinh hay không. Thuốc đạt tiêu chuẩn phải là thuốc mới, còn mùi tinh dầu đặc trưng của cây thuốc. Về nguyên tắc, những cây thuốc có tinh dầu phải được phơi trong mát để đảm bảo hàm lượng.

Đáng lo là những gói bột, cây lá được giới thiệu là “thuốc trị bệnh” mà không có nhãn mác, thành phần, tỷ lệ rõ ràng hoặc có ghi thành phần nhưng không qua kiểm soát chất lượng thì rất nguy hiểm. “Thuốc Đông y bày bán trên thị trường phần lớn nhập từ Trung Quốc. Nếu chỉ nghe theo lời người bán, không biết rõ thành phần thuốc, không được tư vấn kỹ mà vẫn mua dùng thì quá mạo hiểm”, lương y Nghĩa lo ngại.

BS Trần Văn Năm - nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cảnh báo: “Khi dùng thuốc không đạt chất lượng, trước tiên sẽ không có tác dụng trị bệnh, đặc biệt là lãng phí thời gian đối với những bệnh cần chữa trị sớm. Nguy hiểm hơn là nấm mốc trong thuốc sẽ gây ra nhiều bệnh và dẫn đến những biến chứng. Bên cạnh đó, Đông dược còn gây độc nếu dùng quá liều lượng hoặc nguy hại hơn là để… tăng tác dụng, người bán còn pha tân dược vào Đông dược”.

>> Những loại thuốc cần thiết khi đi du lịch

Thu Thảo (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang