Thị trường bất động sản 2019: Linh hoạt để thích ứng

author 13:57 08/02/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, năm 2019 thị trường bất động sản sẽ có một số tác động từ chính sách. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp uy tín và có chiến lược lâu dài.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, năm 2018, Bộ Xây dựng đã kịp thời hoàn thành dự thảo và trình Chính phủ, Quốc hội 03 dự án Luật: Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Kiến trúc; Luật sửa đổi bổ sung các Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (BĐS), Quy hoạch đô thị. Lĩnh vực xây dựng đã bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15% số điều kiện đầu tư kinh doanh trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng.

- Nhìn lại thị trường BĐS năm qua, cả ở căn hộ và đất nền đều có những vấn đề còn tồn tại, thưa ông?

Trong năm 2018, toàn ngành Xây dựng đã hoàn thành khoảng 58 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên khoảng 24 m2 sàn/người. Đặc biệt Chính phủ và Quốc hội đã bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm Chương trình nhà ở cho người có công. Cả nước cũng đã hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000 m2. Thị trường BĐS cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, thị trường BĐS năm 2018 vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý đó là: Lượng tồn kho BĐS vẫn còn khá lớn (còn khoảng 22.976 tỷ đồng) tập trung ở các dự án nằm ở xa trung tâm các đô thị, hạ tầng hầu như chưa có hoặc chưa hoàn thiện. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp mà thị trường đang cần nhiều.

Vấn đề giao đất, cho thuê đất, đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cho người mua còn chưa thống nhất. Tại một số khu vực như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, khu vực sân bay Long Thành – Đồng Nai, TP HCM và Hà Nội có nhiều biến động, giá đất tăng cao.

Nhìn tổng thể, thị trường BĐS đang phát triển theo hướng bền vững song cũng tiềm ẩn một số nguy cơ. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có các giải pháp ứng xử kịp thời nhằm đảm bảo cho thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

- Vẫn có người lo ngại “bong bóng BĐS” có thể xảy ra, trong thời gian tới, thưa ông?

Thị trường BĐS trong năm 2019 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra “bong bóng BĐS”. Nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ và tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp.

Vốn FDI vào thị trường bất động sản tăng mạnh, điều này cho thấy thị trường bất động sản đang là “bánh ngon” của dòng vốn ngoại tạo ra sự phát triển vững chắc cho thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường sẽ có tác động nhất định qua các chính sách siết chặt vốn; thủ tục phê duyệt, cấp phép quy hoạch của các cấp chính quyền cho doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc... Tuy nhiên, những tác động này sẽ không lớn do các doanh nghiệp đã thích ứng và linh hoạt với thị trường.

- Với giá BĐS như hiện nay, số đông người lao động vẫn chưa thể mua được nhà, đây cũng là trở ngại tìm đầu ra của doanh nghiệp. Bộ đã và sẽ có giải pháp gì thưa ông?

Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về Kinh doanh BĐS, Nhà ở, Xây dựng, Quy hoạch đô thị nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh BĐS theo hướng rút gọn điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát cung – cầu hàng hóa BĐS theo hướng thực hiện nghiêm các quy định về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở để khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu hàng hóa; tiếp tục rà soát, phân loại các dự án BĐS để quyết định việc thu hồi, tạm dừng, giãn, hoãn hoặc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của các dự án BĐS cho phù hợp với quy hoạch, nhu cầu thực tế và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư các dự án BĐS, nhất là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.

Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách thuế nhằm chống đầu cơ trong lĩnh vực BĐS, góp phần bình ổn thị trường BĐS, sử dụng hiệu quả đất đai.

Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung, hướng dẫn làm rõ quy định về chế độ sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Bộ cũng chủ trì nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; quy định về quản lý, vận hành đối với loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- 2018 cũng là năm đánh dấu sự bùng nổ tranh chấp lên đến đỉnh điểm tại các dự án BĐS. Theo ông, năm tới còn tình trạng này không?

Thực tế, các tranh chấp, khiếu nại này chủ yếu xảy ra tại một số dự án được đầu tư xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, kể từ Sau khi Luật Nhà ở sửa đổi 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật được ban hành, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 139/2017 (hiệu lực từ 15/01/2018) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng góp phần hạn chế các tranh chấp, khiếu nại so với thời điểm trước khi có Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Ngoài ra, trong năm 2018, Bộ Xây dựng còn chủ trì soạn thảo và đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 19/10/2018 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư để khắc phục những tồn tại nêu trên.

- Đâu là vấn đề cần phải ưu tiên lưu ý trong năm 2019 thưa Thứ trưởng?

Có lẽ vẫn là phân khúc nhà ở xã hội. Tại khu vực đô thị đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2 - đạt khoảng 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở là đến năm 2020 cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội, nhưng hiện nay các doanh nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi. Do vậy, trước mắt Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sớm bố trí nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại để tiếp tục cho vay để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công…

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2019, tôi tin rằng bong bóng bất động sản sẽ không 'nổ' ra!(VietQ.vn) - TS. Nguyễn Trí Hiếu tin tưởng rằng, năm 2019, bong bóng bất động sản sẽ không 'nổ' ra nếu các ngân hàng, kể cả NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... có những biện pháp, chế tài, kế hoạch kiểm soát tăng trưởng BĐS phù hợp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang