Thực hư chuyện Trung Quốc cấm biên gạo Việt Nam

author 10:25 08/08/2014

(VietQ.vn) - Các thương lái đã lên tiếng xác nhận Trung Quốc cấm biên gạo xuất khẩu tiểu ngạch từ Việt Nam. Vậy lệnh cấm biên này có ảnh hưởng thế nào tới thị trường lúa gạo Việt Nam.

Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm biên gạo Việt

 Sau nhiều ngày dư luận băn khoăn trước tin đồn Trung Quốc cấm biên gạo Việt, hôm nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã lên tiếng xác nhận, sau một thời gian đẩy mạnh mua gạo của Việt Nam theo đường tiểu ngạch qua biên giới, bất ngờ Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm biên.

Ông Nguyễn Công Khanh, một thương lái kinh doanh gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, ngụ tại Hải Phòng khẳng định: “Hiện chỉ có gạo chính ngạch được phép đi thôi, chứ gạo tiểu ngạch đã bị họ (Trung Quốc) cấm nhập rồi”.

Theo ông Khanh, lý do Trung Quốc cấm biên (không cho nhập khẩu) nhằm quản lý việc trốn thuế nhập khẩu gạo của các doanh nghiệp, chủ vựa mua gạo từ Việt Nam. “Các nhà buôn của Trung Quốc nhập gạo từ Việt Nam vào thường thì họ trốn thuế, cho nên chính quyền Trung Quốc cấm, không cho gạo vào nữa và sẽ thống nhất đưa ra một mức thuế để quản lý”, ông Khanh cho biết.

Hình thức xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là tiểu ngạch nay đã bị cấm. Ảnh minh họa

Hình thức xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là tiểu ngạch nay đã bị cấm. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Tự, ngụ tại Hải Phòng - một thương lái khác chuyên cung cấp gạo cho các đầu mối phía Trung Quốc - cũng xác nhận phía Trung Quốc đang thực hiện lệnh cấm biên để ngăn chặn việc trốn thuế mua gạo của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, thực tế người ta (Trung Quốc) vẫn đang có nhu cầu”, bà Tự nói.

Thị trường lúa gạo Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều

Dù Trung Quốc đang thực hiện lệnh cấm biên nhưng theo một số người trong cuộc, điều này vẫn không ảnh hưởng đến diễn biến thị trường lúa gạo trong nước.

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), Trung Quốc chủ yếu mua gạo dẻo, gạo thơm nhưng các loại gạo này trong nước đã không còn nhiều. “Qua một số anh em trực tiếp xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc tôi được biết hiện nhu cầu của họ cũng không còn sôi động như mấy tháng trước”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị “Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL” được tổ chức tại Cần Thơ hôm 5-8, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết ông vẫn chưa nắm được thông tin Trung Quốc cấm biên đối với gạo tiểu ngạch.

Tuy nhiên, theo ông Năng, trường hợp Trung Quốc cấm biên cũng sẽ không thể tác động xấu đến diễn biến thị trường lúa gạo nội địa được bởi nguồn cung trong nước hiện rất khan hiếm và nhu cầu nhập khẩu của các nước khác ngoài Trung Quốc đang tăng mạnh.

Trung Quốc cấm biên không làm ảnh hưởng tới thị trường lúa gạo Việt Nam

Trung Quốc cấm biên không làm ảnh hưởng tới thị trường lúa gạo Việt Nam. Ảnh minh họa

“Chẳng hạn, Philippines đang có nhu cầu mua, Indonesia, Malaysia cũng đang xem xét nhập thêm, nên tôi nghĩ tình hình sẽ rất thuận lợi”, ông Năng dẫn chứng.

Thực tế diễn biến thị trường lúa gạo trong nước cho thấy, sau khi biến động nhẹ cách nay ít hôm, giá lúa gạo vẫn tiếp tục được giữ vững ở mức  cao. Cụ thể, tại ĐBSCL, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá dao động khoảng 7.650-7.700 đồng/kg và 7.700-7.800 đồng/kg đối với các giống hạt dài. Lúa IR 50404 tươi hiện được thương lái mua vào với giá dao động khoảng 5.000-5.200 đồng/kg tùy nơi.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cũng đã tăng trở lại mức cũ, sau khi giảm nhẹ cách nay mấy hôm. Cụ thể, gạo 5% tấm được chào bán với giá 465-475 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 415-425 USD/tấn.

Thậm chí là được lợi từ lệnh cấm biên

Nhìn nhận trên một số khía cạnh cơ bản, ta có thể thấy việc Trung Quốc ban lệnh cấm nhập khẩu gạo Việt theo đường tiểu ngạch lại là một điều tốt đối với thị trường lúa gạo hiện nay.

Đầu tiên, phải kể tới rủi ro khi buôn bán gạo tiểu ngạch với Trung Quốc. Không thể phủ nhận xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc đã góp phần rất lớn cùng với các thị trường chính thống như Indonesia, Malaysia, Philippines...trong việc tiêu thụ gạo và tác động tới giá cả của thị trường lúa gạo Việt Nam thời gian qua.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam theo các hợp đồng của VFA đạt khoảng 3,6 triệu tấn, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc tới 1,6 triệu tấn. Con số này đủ chứng minh sức ảnh hưởng lớn của buôn bán tiểu ngạch với thị trường lúa gạo nước ta.

Thị trường lúa gạo phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thị trường lúa gạo Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đây lại là hình thức buôn bán tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới đây đã đưa ra đã cảnh báo về thực tế có tới 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị hủy giữa chừng và nước này cũng đứng đầu danh sách trong việc mua giá rẻ và ép giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, chúng ta đã tránh được một mối rủi ro lớn.

Cũng cần lưu ý rằng, cấm biên không có nghĩa Việt Nam đánh mất thị trường Trung Quốc. Vì hiện nay, thị trường này vẫn còn nhu cầu rất lớn về nguồn gạo dự trữ quốc gia, do vậy, nếu không nhập khẩu tiểu ngạch thì Trung Quốc bắt buộc phải kí kết các hợp đồng nhập khẩu chính thức với Việt Nam.

Thứ hai, lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch vốn khó có thể kiểm soát được, đã gây nhiều khó khăn trong thống kê, phân tích, dự báo và đưa ra các đối sách trước những diễn biến của thị trường lúa gạo. Các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần đặt ra vấn đề chính thức hóa xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, nhưng chưa tìm được đối sách thích hợp. Tới nay, cơ hội thuận lợi để Việt Nam kiểm soát thị trường đã đến.

Thứ ba, như VietQ đã đưa tin, thị trường lúa gạo Việt Nam hiện đang rơi vào tình trạng khan hiếm, các doanh nghiệp kêu than vì không mua được lúa gạo để xuất khẩu theo những hợp đồng đã kí. Sự rút lui tạm thời của các thương lái Trung Quốc sẽ trở thành một diễn biến có lợi cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Như vậy, tổng kết lại chúng ta có thể nhận định rằng Trung Quốc đang thực sự thi hành lệnh cấm biên đối với nhập khẩu gạo tiểu ngạch từ Việt Nam. Diễn biến này có thể tạm thời gây ra sự sụt giảm trong giá lúa gạo, do các thương lái đột ngột dừng mua, tuy nhiên, nói về lâu dài theo những phân tích ở trên, thị trường lúa gạo Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang