Phát hiện 'sốc': Thuốc diệt cỏ khiến vi khuẩn kháng thuốc gây bệnh mạnh hơn

author 12:55 04/12/2016

(VietQ.vn) - Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Hoa Kỳ cho rằng, thuốc diệt cỏ có mối liên quan trực tiếp tới vi khuẩn kháng thuốc.

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, nghiên cứu mới trên được công bố bởi Hiệp hội vi trùng học và vi sinh học Hoa Kỳ trên tạp chí mBio đã chỉ ra mối tương quan giữa glyphosate cùng hai loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi là 2,4-D và dicamba với vấn đề nổi cộm của ngành y tế hiện nay: kháng kháng sinh.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc với các chất diệt cỏ đang được quảng cáo rộng rãi hiện nay có thể khiến các loại vi khuẩn phản ứng với một số loại kháng sinh, bao gồm ampicillin, ciprofloxacin và tetracycline, đây là những loại thuốc kháng sinh phổ biến để điều trị các loại bệnh nguy hiểm.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học chỉ ra rằng, thuốc diệt cỏ liên quan mật thiết tới vi khuẩn kháng thuốc.

 Nghiên cứu mới của các nhà khoa học chỉ ra rằng, thuốc diệt cỏ liên quan mật thiết tới vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh minh họa: SK&ĐS

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Jack Heinemann, Giáo sư di truyền học của trường Đại học Canterbury tại New Zealand, khi các loại thuốc  diệt cỏ được thử nghiệm về các hiệu ứng có hại, “các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào độc tính chết người của những loại thuốc này”. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào việc chất hóa học có tác dụng diệt các loại sinh vật và tác dụng tới cơ thể con người như thế nào.

Heinemann cho hay: “Điểm khác biệt trong nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu tác dụng phụ của thuốc diệt cỏ. Điều kiện nghiên cứu là sau khi tiếp xúc với thuốc, các vi khuẩn vẫn còn sống”.

Kết quả những nghiên cứu trước đó của các nhóm nghiên cứu khác nhau cho thấy những chất hóa học tương tự như dicamba và 2,4-D có thể gây ra kháng kháng sinh.

Vì thế, Giáo sư Heinemann cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu tỉ mỉ xem liệu các loại thuốc diệt cỏ có tạo ra những hiệu ứng tương tự hay không. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Heinemann còn nghiên cứu thêm glyphosate bởi đây là thuốc diệt cỏ có tính chất hóa học khác hai loại trên. Tuy nhiên, phát hiện đáng ngạc nhiên là glyphosate cũng tạo ra chất kháng kháng sinh.

Giáo sư Heinemann giải thích cho hiện tượng này, bởi những loại thuốc diệt cỏ không phải là chất “siêu độc” đối với vi khuẩn. Vi khuẩn E. coli và Salmonella không bị tiêu diệt hoàn toàn ở mức độ mà các chất hóa học thường được sử dụng để tiêu diệt cỏ dại.

Thay vào đó, vi khuẩn vẫn còn sống khi hoạt hóa với các chất protein được ví như “cái bơm” nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các chất độc. Và cơ chế bảo vệ này có thể giúp vi khuẩn tăng sức đề kháng với những chất độc hại trong cơ thể.

Các nhà khoa học hiểu rằng, việc lạm dụng thuốc kháng sinh ở người có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh. Giáo sư Heinemann cho biết vi khuẩn cũng vậy, tiếp xúc với thuốc diệt cỏ khiến vi khuẩn gây bệnh mạnh hơn.

Cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam(VietQ.vn) - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa cảnh báo, tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động.

Liên quan tới vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, mới đây báo Thanh Niên đưa tin, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã xác nhận sự hiện diện của siêu vi khuẩn mang gien mcr-1 có khả năng chống lại mọi loại kháng sinh.

Kể từ năm 2011, KCDC thu thập vi khuẩn trong ruột từ các bệnh viện trong nước và thử nghiệm tổng cộng 9.300 mẫu, trong đó phát hiện 3 trường hợp chứa gien mcr-1. Đây là gien khiến vi khuẩn kháng được các dòng thuốc kháng sinh cực mạnh thế hệ mới như colistin và carbapenem.

Thông thường, đây là nhóm kháng sinh cuối cùng mà các bác sĩ dùng đến để đối phó các loại vi khuẩn “cứng đầu”. Gien mcr-1 này được cho là đột biến của vi khuẩn CRE kháng carbapenem mà các chuyên gia cảnh báo có tỷ lệ gây tử vong lên đến 50%.

Trước đó, Mỹ phát hiện ca mcr-1 đầu tiên ở một bệnh nhân 49 tuổi vào tháng 5, vài tháng sau khi các chuyên gia Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện sự tồn tại của siêu khuẩn kháng mọi loại thuốc.

Yonhap dẫn lời Park Chan, một quan chức KCDC, cho hay biện pháp điều trị duy nhất hiện nay đối với trường hợp này là phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau, nhưng không đảm bảo sẽ tiêu diệt được siêu vi khuẩn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang