Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19

author 14:56 10/09/2020

(VietQ.vn) - Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi CAEW, Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng dương trong năm 2020.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi The Institute of Chartered Accountants in England and Wales (ICAEW), triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là "tươi sáng" nhất trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. 

Báo cáo trên dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%. Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực trong những quý tới vẫn không chắc chắn, đặt biệt là trong quý IV/2020. Theo đó, các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines khi hai nước này đang phải vật lộn với những làn sóng bùng phát mới của đại dịch Covid-19 sau khi những biện pháp hạn chế ở các nước này được nới lỏng sớm.

Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng dương trong năm 2020. Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) cũng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu đáng kể trong khủng hoảng Covid-19, tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, con đường phục hồi có thể vẫn còn trắc trở do vẫn còn nhiều bất định cả trong nước và trên toàn cầu”.

Đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam dựa vào cả nhu cầu của nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Hai động lực trên đóng góp đến trên 75% tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2019 trên cơ sở tăng trưởng cao về xuất khẩu và tiêu dùng tư nhân.

Trong thời gian tới, theo WB, hai động lực trên khó có thể ngay lập tức quay lại các mức trước khủng hoảng. Nhu cầu của nước ngoài vẫn còn yếu vì nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khiến cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch sẽ chững lại. Đồng thời, tiến trình phục hồi trong nước có thể thấy được ngay sau khi gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội được cho là không kéo dài.

Phần lớn doanh nghiệp và hộ gia đình trong nước có lẽ còn áp dụng các kế hoạch đầu tư và tiêu dùng thận trọng. Hành vi tránh rủi ro như vậy là đương nhiên trong bối cảnh còn nhiều bất định trong nước và trên toàn cầu, theo WB.

Do đó, WB nhận định, Chính phủ cần tập trung vào chính sách tài khóa, là công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết có nghĩa là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt. Nếu Chính phủ có khả năng nâng cao tốc độ triển khai ngân sách được phê duyệt cho năm 2020 từ 65 lên 75%, tỷ lệ đầu tư công trên GDP sẽ tăng thêm 1,5 điểm phần trăm GDP, qua đó trực tiếp bơm khoảng 4 tỷ USD vào nền kinh tế trong nước. Điều này dù sao cũng đòi hỏi Chính phủ có hành động cụ thể nhằm cải thiện về quản lý chương trình đầu tư công.

Đồng thời, hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi. Tuy nhiên, WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng bị khủng hoảng Covid-19 gây ảnh hưởng như nhau.

Điểm sáng kinh tế Việt Nam trong bức tranh ảm đạm toàn khu vực(VietQ.vn) - Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có duy nhất Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay. Đây là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của toàn khu vực.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang