Xuất khẩu điều lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu

author 06:50 22/07/2014

(VietQ.vn) - Trước đây 10 năm, Việt Nam nhập khẩu điều chỉ để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.Còn hiện nay, ngành công nghiệp chế biến hạt điều ấy đang hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để phát triển.

Từ năm 1996, Việt Nam chính thức ghi tên mình vào danh sách các quốc gia nhập khẩu điều thô từ châu Phi do nguồn nguyên liệu trong nước không đủ để đáp ứng tốc độ phát triển như vũ bão của công nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều.

Xuất khẩu điều phụ thuộc 50% vào nguyên liệu nhập khẩu

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), vào thời điểm cách đây 10 năm, các doanh nghiệp mới chỉ nhập khẩu điều thô vào khoảng 20 - 30%, còn lại 70 - 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu điều thô trong nước, nhưng đến nay, Việt Nam đã phải nhập khẩu tới 50% sản lượng điều thô mới đủ chế biến hàng chất lượng cao để xuất khẩu.

Sản lượng điều Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu

Sản lượng điều Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Thống kế của Bộ Công Thương, trong tháng 6/ 2014 cả nước xuất khẩu được 30 ngàn tấn điều nhân các loại và nhập khẩu 75 ngàn tấn điều thô. Tổng cộng 6 tháng, cả nước xuất khẩu được 133 ngàn tấn điều nhân các loại đồng thời nhập về 207 tấn điều thô.

Như vậy, nếu tính trung bình cứ 4 kg điều thô cho ra 1 kg điều nhân (theo Cafecontrol), thì chỉ cần một phép nhẩm đơn giản chúng ta cũng có thể thấy lượng điều thô phải nhập khẩu kên tới 50% sản lượng xuất khẩu của nước ta.

Diện tích và sản lượng điều Việt Nam liên tục giảm

Mặc dù nguồn cung điều trong nước thiếu hụt trầm trọng, song diện tích trồng điều và sản lượng điều của Việt Nam những năm gần đây lại liên tục giảm. Ước tính sản lượng điều thu hoạch trung bình hàng năm chỉ đạt khoảng 400.000 tấn hạt thô, đáp ứng được khoảng 50% công suất của hơn 1.000 cơ sở chế biến hạt điều trong nước.

Phát biểu tại hội nghị của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, có tới hơn 10.000 hecta trồng điều giảm hàng năm. Diện tích trồng điều cả nước từ trên 430.000ha năm 2005, đến nay chỉ còn xấp xỉ 300.000ha, giảm hơn 1/4 . Gần 78.000 ha điều đã bị nông dân chặt bỏ trong những năm qua để nhường chỗ cho trồng các cây trồng khác như cao su, hồ tiêu...

Nông dân từ bỏ điều vì lợi ích kinh tế thua kém các loại cây trồng khác

Nông dân từ bỏ điều vì lợi ích kinh tế thua kém các loại cây trồng khác. Ảnh minh họa

Nguyên nhân được cho là do vùng nguyên liệu trong nước gặp bất lợi về thời tiết, sự biến động tiêu cực về giá cả thị trường… khiến năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm sút, kéo theo đó là thu nhập của người nông dân trồng điều cũng giảm rõ rệt. Trước tình trạng đó, nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có giá trị cao hơn, khiến diện tích trồng cây điều giảm mạnh.

Ngoài ra, phần lớn diện tích đất trồng điều hiện nay là đất cằn cỗi và nằm phân tán rải rác ở nhiều nơi làm cho công tác chăm sóc không được quan tâm đúng mức, giống điều đang cho thu hoạch hiện nay lại là những giống cũ, năng suất phẩm chất không tốt, do đó sản lượng và chất lượng hạt điều Việt Nam ngày càng sụt giảm.

Nguy cơ từ lệ thuộc nguyên liệu điều thô nhập khẩu

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng hạt điều Việt Nam thuộc loại tốt so với thế giới, thơm ngon hơn hẳn so với điều nhập khẩu.  Vì vậy, nếu các doanh nghiệp tiếp tục vì mối lợi trước mắt mà chỉ nhập khẩu điều thô, không đầu tư cho vùng nguyên liệu, hệ thống thu mua để mua trực tiếp tại vườn thì về lâu dài tình trạng Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu điều nước ngoài là có thể xảy ra.

Điều Việt Nam mang những phẩm chất riêng tốt hơn hẳn điều nhập

Điều Việt Nam mang những phẩm chất riêng tốt hơn hẳn điều nhập. Ảnh minh họa

Điều này sẽ khiến xuất khẩu điều Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức: một là bỏ qua lợi thế cạnh tranh sẵn có là phẩm chất của điều Việt Nam. Hai là khó khắn trong xây dựng một thương hiệu mang tên Điều Việt Nam. Ba là do phụ thuộc lớn vào nguyên liệu điều thô nước ngoài nên nhiều DN Việt Nam, kể cả những công ty lớn đã và sẽ vẫn phải ngậm đắng nuốt cay trên thương trường.

Phan Huyền (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang