10 kết quả nổi bật năm 2023 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

author 16:11 17/01/2024

(VietQ.vn) - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa công bố 10 kết quả nổi bật trong năm 2023, khẳng định quyết tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội của toàn ngành.

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn, thách thức, song dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn ngành BHXH Việt Nam đã đặt quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, vươn lên đạt được những kết quả toàn diện, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực công tác.

Ngành BHXH Việt Nam đạt nhiều thành tích nổi bật trong năm 2023. Ảnh: BHXH Việt Nam

BHXH Việt Nam điểm lại 10 kết quả nổi bật năm 2023 của toàn ngành, cụ thể:

1. Hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc mạnh mẽ: 100% các xã, huyện và tỉnh trên toàn quốc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đến nay, 100% các xã tại 63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo (tương ứng có 10.595 Ban Chỉ đạo cấp xã); 60/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 62/63 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT.

2. Diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục tăng, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa như kỳ vọng. Năm 2023, cả nước có khoảng: 18,26 triệu người tham gia BHXH đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương); 14,7 triệu người tham gia BHTN đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, diện bao phủ BHYT tiếp tục phát triển bền vững qua các năm: năm 2021 tỷ lệ bao phủ là 91,01% (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 có trên 93,3 triệu người tham gia đạt tỷ lệ 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

3. Số người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn, quyền lợi người thụ hưởng tiếp tục được đảm bảo kịp thời với chất lượng phục vụ ngày càng cao: Trong năm 2023, toàn ngành đã giải quyết gần 95,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết cho hơn 1 triệu người hưởng các chế độ BHTN. Tổng số chi các quỹ BHXH, BHYT, BHTN đạt trên 439,27 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ BHYT là 124,3 nghìn tỷ đồng với hơn 174,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.

Xác định công tác phục vụ người hưởng luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ngành BHXH Việt Nam không ngừng cải cách hành chính mạnh mẽ: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ 114 thủ tục (năm 2015) xuống chỉ còn 25 thủ tục, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức, cá nhân ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ…. Đáng chú ý, năm 2023, cả nước đã có khoảng 64% số người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022 (vượt 4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

4. Kỷ cương, kỷ luật về tài chính được tăng cường; quỹ BHXH, BHYT tiếp tục được quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, bền vững, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH và các cấp, các ngành. Quy mô các quỹ tăng qua từng năm, được thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, nhờ đó Nhân dân, người lao động ngày càng yên tâm, tin tưởng chính sách.

5. Công tác truyền thông, tư vấn, giải đáp chính sách tiếp tục đổi mới linh hoạt, sáng tạo. Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải hơn 32 nghìn tin, bài, phóng sự…; thực hiện khoảng 28.800 hội nghị truyền thông, tập huấn, tư vấn, đối thoại với khoảng 1,58 triệu lượt người tham dự; khoảng 139.000 cuộc truyền thông nhóm nhỏ cho khoảng 1,08 triệu lượt người;...

Công tác tư vấn, giải đáp, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng được ngành BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Năm 2023, đã hỗ trợ, tư vấn, giải đáp trên 1,7 triệu lượt người; tổ chức 12 hội nghị đối thoại, giải đáp chính sách tại 12 tỉnh, thành phố, thu hút gần 2.450 người tham gia. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh ngành BHXH Việt Nam phục vụ người dân tận tâm, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Nhận thấy lợi ích của BHXH, BHYT rất thiết thực đặc biệt đối với người có hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, BHXH Việt Nam đã phát động chương trình tặng sổ BHXH, tặng thẻ BHYT trong toàn hệ thống với thông điệp trao nhân ái, lan tỏa yêu thương. Năm 2023 đã có 24.300 sổ BHXH và 250.000 thẻ BHYT được trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn.

6. BHXH Việt Nam tiếp tục được ghi nhận, đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai Đề án 06. Trong năm 2023, Ngành đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT chiếm 97% tổng số người tham gia. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để cải cách TTHC, bảo đảm quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách, đồng thời phòng chống trục lợi chính sách hiệu quả.

BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành Công an, ngành Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai: sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp phục vụ người dân đi khám chữa bệnh BHYT; triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng”… giúp người dân chỉ cần đến bộ phận Một cửa của UBND cấp xã nộp hồ sơ và nhận 3 kết quả cùng lúc.

Trong năm 2023, toàn Ngành đã tiếp nhận và giải quyết: 443.138 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (rút ngắn thời gian chờ cấp thẻ BHYT từ 05 ngày xuống còn 02 ngày); 5.658 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí (rút ngắn thời gian giải quyết từ 10 ngày xuống còn 07 ngày)…

Đặc biệt, đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT (tương ứng 12.851 nghìn cơ sở) trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, với hơn 55 triệu lượt người sử dụng, rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

7. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN giảm sâu nhất từ trước đến nay. Năm 2023, BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 22 nghìn đơn vị với tổng số tiền chậm đóng các đơn vị đã khắc phục là trên 2.023 tỷ đồng. Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của ngành, năm 2023, số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu - là tỷ lệ thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (giảm từ 6% năm 2016 xuống còn 2,69%). Việc tiếp tục duy trì tỷ lệ chậm đóng ở mức thấp là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.

8. Đặt quyền lợi người tham gia BHYT làm trọng tâm, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT và bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT. Năm 2023, để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT theo quy định, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành: Nghị quyết số 30/NQ-CP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT giai đoạn hậu Covid-19 và giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày giải quyết khó khăn về cơ chế thanh toán kinh phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán và bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHYT.

Thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, BHXH Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, Lãnh đạo Ngành đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo BHXH các tỉnh đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động.

9. Đã có khoảng 35 triệu người sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số”. Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, BHXH Việt Nam tiếp tục nâng cấp ứng dụng “VssID - BHXH số” bổ sung nhiều tiện ích quan trọng: tính năng hiển thị số tiền và thời gian đơn vị chưa đóng BHXH, BHTN cho người lao động; cấp lại mật khẩu ứng dụng tự động bằng trí tuệ nhân tạo tích hợp trên Tổng đài chăm sóc khách hàng; liên thông, chia sẻ một số tính năng của VssID với ứng dụng VneID tạo thuận lợi cho người sử dụng…

Ứng dụng VssID là bước đột phá trong công tác chuyển đổi số của ngành. Sau hơn 3 năm triển khai, người dùng ngày càng hiểu được lợi ích, ý nghĩa, vai trò của ứng dụng không chỉ trong việc cung cấp thông tin, tra cứu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà còn là công cụ để giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động, cảnh báo, ngăn chặn trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Với các tính năng thiết thực, đến nay ứng dụng đã thu hút khoảng 35 triệu người sử dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao.

10.Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đổi mới, hội nhập và phát triển. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, linh hoạt và có nhiều đổi mới; tăng cường các hoạt động cả đa phương và song phương. Quan hệ hợp tác về an sinh xã hội với các nước, nhất là các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc...; các tổ chức quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế…) tiếp tục được duy trì, mở rộng.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang