123 cơ sở chế biến thủy sản khu vực Nam Bộ dừng sản xuất do dịch Covid-19

author 17:38 18/08/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay, tại khu vực Nam Bộ, đã có 123 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu tạm dừng sản xuất do có ca nhiễm Covid phải dừng sản xuất và do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Theo báo cáo của Tổ công tác phía Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 17/8/2021, nhìn chung hoạt động sản xuất thủy sản vẫn đang được duy trì.

13 tỉnh ĐBSCL là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra. Tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản vẫn ổn định. Hiện toàn vùng chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Chế biến tôm xuất khẩu. (ảnh minh họa internet)

Đến nay, khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương cơ bản đã được tháo gỡ.

Các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng… đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại các nhà máy chế biến thủy sản, hình thành vùng xanh, cho phép công nhân được ở nhà và đưa đón đến nhà máy nên sản xuất đã bắt đầu tăng trở lại. Tại Cà Mau, công suất chế biến đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch.

Tuy nhiên, theo Tổ công tác phía Nam, hiện giá cá tra giống rất thấp, chỉ còn 21.000-23.000đ/kg. Việc giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài (khoảng 21.000đ/kg), giá tôm xuống thấp thời gian gần đây đã không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.

Tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở, có ca nhiễm Covid phải dừng sản xuất là 19 cơ sở, 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ. Như vậy còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%.

Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng chỉ thị 16. Do thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí 3 tại chỗ rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương nắm sát tình hình, kịp thời quan tâm hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất, vận chuyển sản phẩm và vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ các nhà máy chế biến cá tra đang tạm ngưng sớm khôi phục sản xuất.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương điều chỉnh theo tình hình thực tế mô hình 3 tại chỗ, mô hình 1 cung đường 2 điểm đến, hoặc mô hình kết hợp đặc biệt ở các tỉnh Nam sông Hậu có mức độ dịch ít nghiêm trọng hơn để tăng công suất và giảm chi phí cho cơ sở chế biến, tạo đầu ra cho toàn chuỗi; tạo điều kiện về xét nghiệm và di chuyển của nhân công, phương tiện thu hoạch, vận chuyển thuỷ sản.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang