17.000 tỷ nợ xấu được thu hồi, DongABank có qua cơn bĩ cực?

author 19:23 07/10/2019

(VietQ.vn) - Ngân hàng DongABank cho biết đã thu hồi 17.036 tỷ đồng tiền nợ xấu tính từ thời điểm bị kiểm soát đặc biệt. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2019, số nợ xấu đã thu hồi được của ngân hàng này đạt 2.100 tỷ đồng.

Trước thềm đại hội cổ đông thường niên năm 2019, Ngân hàng Đông Á (DongABank) cho biết đã thu hồi 17.036 tỷ đồng tiền nợ xấu tính từ thời điểm bị kiểm soát đặc biệt. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2019, số nợ xấu đã thu hồi được của ngân hàng này đạt 2.100 tỷ đồng.

Về khả năng huy động vốn, tính đến 31/8, DongABank ghi nhận số tiền 62.286 tỷ đồng, tăng 1.432 tỷ đồng so với đầu năm 2019. Trong đó tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn và nguồn tiền gửi trung dài hạn tăng giúp Ngân hàng Đông Á đảm bảo được nguồn vốn để phát triển kinh doanh cũng như đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Dư nợ khách hàng cá nhân cũng phục hồi trở lại và chiếm tỷ trọng 43,5% trong tổng dư nợ. Nguồn thu từ dịch vụ luỹ kế trong 8 tháng đạt 329,3 tỷ đồng, còn lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 57,4 tỷ đồng.

Trước đó, DongABank cho biết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ban kiểm soát đặc biệt của ngân hàng này đã thuê Ernst & Young đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ của nhà băng này.

 Ngân hàng Đông Á đã thu hồi 17.036 tỷ đồng tiền nợ xấu.

Theo số liệu ĐHCĐ, DongABank đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ tại thời điểm 31/12/2018.

Số liệu kiểm toán của EY cho hay, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongABank có lỗ luỹ kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm. “Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm DongABank có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỷ đồng, ngân hàng phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo quy định của pháp luật”, tờ trình của nhà băng này nêu.

Vì thế, dựa vào tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay, DongABank chỉ có thể tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, DongABank không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu vì không thể đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định. Do đó, DongABank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.

DongABank dự kiến chào bán số cổ phần đủ số lượng để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần.

Số cổ phần dự kiến phát hành sẽ được chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp). Thời gian dự kiến chào bán là sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. “Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ được sử dụng để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực tài chính để DongABank tăng cường năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát triển”, DongABank cho biết.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang