ĐHCĐ PNJ 2019: Phương án nào ‘giải cứu’ gần 400 tỷ ‘mắc kẹt’ tại DongABank?

author 11:41 05/06/2019

(VietQ.vn) - Gần 5 năm kể từ thời điểm PNJ đầu tư vào DongABank, số tiền hơn 395 tỷ đồng vẫn “mắc kẹt” tại nhà băng này do lệnh kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Tại ĐHCĐ 2019, PNJ sẽ trình một phương án để “giải cứu” số tiền trên?

Sự kiện: Doanh nghiệp

Tại sao nhóm quỹ Dragon Capital liên tiếp bán cổ phiếu PNJ?

Thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), ngày 27/5, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý tiếp tục bán ra 850.000 cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 12,7 triệu cổ phiếu, tương đương 7,6%. Sau thương vụ này, nhóm quỹ Dragon Capital thu về 98,4 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 25/5, nhóm quỹ Dragon Capital cũng bán ra hơn 1,74 triệu cổ phiếu PNJ, thu về khoảng 200 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 lần bán cổ phiếu PNJ, nhóm quỹ Dragon Capital thu về gần 300 tỷ đồng.

Được biết, nhóm quỹ Dragon Capital bán cổ phiếu PNJ trong thời điểm công ty chuẩn bị chốt danh sách cổ đông (ngày 6/6) để thực hiện quyền nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 3:1 ( cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới), qua đó tăng vốn điều lệ lên 2.227 tỷ đồng.

Phương án phát hành hơn 55,66 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 3:1 sẽ được thông qua?

Năm 2019, PNJ trình cổ đông phương án phát hành hơn 55,66 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 3:1, nhằm tăng vốn từ 1.670 tỷ đồng lên 2.226 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để tiếp tục thu hút nguồn nhân lực, PNJ dự kiến phát hành hơn 2,22 triệu cổ phiếu ESOP (phương thức công ty áp dụng để nhân viên có thể sở hữu cổ phiếu công ty) với giá 20.000 đồng/cp.

 PNJ trình cổ đông phương án phát hành hơn 55,66 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 3:1. Ảnh minh họa

Việc PNJ thường xuyên phát hành cổ phiếu thưởng cũng như ESOP trong vài năm trở lại đây là kịch bản không còn xa lạ. Cần nói thêm, cổ phiếu PNJ hầu hết do lãnh đạo nắm giữ. Nếu phương án trên được thông qua, đây thực sự là “món hời” lớn cho dàn lãnh đạo cũng như cổ đông PNJ.

PNJ sẽ có phương án mới “giải thoát” số tiền gần 400 tỷ “rót” vào DongABank?

Trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, PNJ tiếp tục thể hiện khoản trích lập dự phòng đầu tư vào Ngân hàng Đông Á (DongABank; ADB) lên tới 395 tỷ đồng. Đến quý I/2019, trong báo cáo tào chính, PNJ cũng cho biết những rủi ro mà họ gặp phải trong hoạt động kinh doanh, trong đó khoản trích lập dự phòng 100% đầu tư vào cổ phiếu DongABank với số tiền hơn 395 tỷ đồng vẫn còn “mắc kẹt”.

Số tiền đầu tư của PNJ vào DongABank lớn dần, bắt đầu từ năm 2015. Thời điểm đó, trong báo cáo quý III, PNJ cho biết đã trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tính toán, PNJ tiếp tục nâng khoản trích lập dự phòng vào DongABank lên tới 141 tỷ đồng. Động thái này làm cho lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 107 tỷ đồng, tương đương 26% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng chú ý, khi chưa thể thu về số tiền đầu tư trên, PNJ tiếp tục đầu tư vào DongABank (2017) làm tổng vốn lên tới hơn 395 tỷ đồng. Khoản đầu tư này gấp 1,7 lần lợi nhuận sau thuế quý IV/2018 của PNJ.

Như vậy, từ năm 2015 (thời điểm DongABank bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt), số tiền PNJ đầu tư vào nhà băng này hoàn toàn “mắc kẹt”. Cổ phiếu của nhà băng này cũng không được phép chuyển nhượng nên PNJ đã trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản đầu tư nói trên.

Số tiền gần 400 tỷ “rót” vào DongABank của PNJ vẫn "nằm im". Ảnh minh họa

Mới đây ngày 21/4, trả lời các cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongABank) cho biết, PNJ không có liên quan gì đến DongABank, nếu PNJ có liên quan thì công ty đã không có được thành quả như hôm nay, tăng trưởng 2, 3 lần trong những năm qua. Thanh tra vào kiểm tra PNJ rồi, nếu có vấn đề sẽ có trong bản thanh tra của ngân hàng.

Bà Dung chia sẻ, các ngân hàng đã đóng băng giải ngân đối với công ty sau khi vụ việc xảy ra. Công ty đã phải huy động cán bộ công nhân viên, người thân cho vay để vượt qua giai đoạn khó khăn trong tháng 8, tháng 9. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thực hiện cho PNJ vay lại.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu khoản tiền đầu tư trên vẫn mãi “nằm im” trong DongABank thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với lợi ích của cổ đông? Bởi đồng tiền nằm im là đồng tiền chết?

Bảo Thanh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang