4 Hành tinh, vệ tinh thuộc hệ mặt trời có khả năng tồn tại sự sống

author 07:06 30/08/2014

Sự sống ngoài trái đất luôn là đề tài khơi gợi trí tò mò nhất đối với các nhà nghiên cứu, đây cũng chính là lý do vì sao họ không ngừng tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trên tất cả các hành tinh mà khoa học ngày nay có thể vươn tới được.

Vào đầu tháng 8 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có vi khuẩn sinh sống trong nhiều giọt nước siêu nhỏ tại hồ Pitch – hồ hắc ín lớn nhất thế giới, điều này cho thấy có khả năng tồn tại sự sống trong những vũng bùn thuộc các thiên thể ngoài trái đất, trong đó có thể kể đến vệ tinh Titan – mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ. Phát hiện này được ghi nhận là bước ngoặt trong quá trình tìm kiếm sự sống trên những hành tinh có môi trường tưởng chừng như quá khắc nghiệt để tồn tại sự sống.

Trong hệ mặt trời của chúng ta, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu đặc biệt tuy chưa là bằng chứng xác thực về sự sống ngoài hành tinh những cũng là những tia hi vọng trên con đường còn muôn vàn chông gai này. Dưới đây là 4 hành tinh và vệ tinh thuộc hệ mặt trời có khẳ năng tồn tại sự sống:

Vệ tinh Titan:

Khám phá mới đây tại hồ Pitch là dấu hiệu vô cùng quan trọng đối với những nhà nghiên cứu đang tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên Titan. Vệ tinh lớn nhất của sao Thổ này có nhiều đặc điểm giống với trái đất nhất trong các thiên thể thuộc hệ mặt trời. Tuy nhiên, trên Titan chỉ có những vùng hồ hydrocarbon khổng lồ chứ không phải là nước. Một nghiên cứu khoa học mới đây cho biết, trong những hồ dầu của Titan có thể có nhiều giọt là hỗn hợp của nước và amoniac với số lượng đang ngày càng tăng, những giọt hỗn hợp này khá giống với giọt nước tìm được tại hồ Pitch. Thông qua những nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng có sự sống trong hỗn hợp nước và dầu có thể sẽ đem lại những hiểu biết rõ ràng hơn về khả năng sinh tồn trong hydrocarbon của các sinh thể (nếu chúng tồn tại) trên Titan.

Hồ hydrocarbon trên bề mặt Vệ tinh Titan

Hồ hydrocarbon trên bề mặt Vệ tinh Titan. Ảnh minh họa

Sao Hỏa:

Tuy các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng khẳng định đã từng có sự sống trên Sao Hỏa, nhưng họ đã khám phá ra rằng băng bao phủ hai cực của hành tinh này và trong bề mặt đất nơi đây có 2% khối lượng là nước. Bên cạnh đó, chương trình nghiên cứu các mẫu bụi do robot thám hiểm Curiosity của Nasa lấy được trên Sao Hỏa đã cho thấy khả năng đã từng tồn tại sự sống vi sinh hành tỷ năm trước tại đây, khi mà hành tinh này vẫn còn ẩm ướt và ấm áp hơn bây giờ.

Bề mặt Sao Hỏa có 2% khối lượng là nước

Bề mặt Sao Hỏa có 2% khối lượng là nước. Ảnh minh họa

Vệ tinh Europa:

Nếu nước là điều kiện tiên quyết để tồn tại sự sống thì vệ tinh Europa sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất cho công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.  Mặt trăng này của Sao Mộc được tin rằng có chứa một đại dương nước khổng lồ bên dưới lớp băng tuyết dày cứng. Trong những năm gần đây, khoa học đã tìm thấy sự sống vi sinh trong môi trường đại dương khắc nghiệt trên trái đất, chính điều này đã trở thành cơ sở cho giả thuyết về sự tồn tại của những dạng sự sống đặc biệt tại những môi trường như vệ tinh Europa.

Lớp băng tuyết dày cứng trên Europa

Lớp băng tuyết dày cứng trên Europa. Ảnh minh họa

Vệ tinh Enceladus:

Vệ tinh Enceladus của Sao Thổ cũng chứa một đại dương bị bao phủ bởi lớp băng dày cứng khủng khiếp, tương tự như ở vệ tinh Europa. Diện tích bị bao phủ này được ước tính rộng bằng hồ Superior. Một vài nhà nghiên cứu tin rằng họ có thể nghiên cứu nguyên tố nước trên Enceladus mà không cần phải khoan thủng lớp băng dày khoảng 40km. Tàu Cassini của NASA đã phát hiện được 101 cột vật chất chứa nước phun trào lên từ cực nam của vệ tinh này. Nếu những cột vật chất này thật sự xuất phát từ đại dương bị che lấp của Enceladus thì những tàu thám hiểm trong tương lai có thể bay xuyên qua chúng và nghiên cứu bản chất của đại dương trên vệ tinh này mà không cần phải hạ cánh xuống lớp bề mặt.

Lớp băng dầy 40km bao phủ bên trên đại dương của Enceladus

Lớp băng dầy 40km bao phủ bên trên đại dương của Enceladus. Ảnh minh họa

Đinh Ly

 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang