40 biệt thự của Giang Kim Đạt: ‘Đụng vào đó không dễ đâu’

author 14:12 29/07/2015

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra về việc kê biên, thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt.

Tại hội thảo hoàn thiện và công bố báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá quy định và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của công ước về chống tham nhũng, Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra cho rằng, một trong những khó khăn trong việc kê khai tài sản hiện nay do ở Việt Nam dùng tiền mặt quá nhiều.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra

Tiến sĩ Đinh Văn Minh. Ảnh Viết Cường

“Ai đi mua gì lớn mang cả một bao tải tiền là chuyện bình thường. Và đã là tiền mặt thì rất khó kiểm soát bởi cứ tiền trao là cháo múc, thế là xong. Trong khi nếu ta thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch lớn qua ngân hàng thì kiểu gì cũng để lại các dấu vết”, Tiến sĩ Minh dẫn chứng.

Một vấn đề đặc biệt khó khăn nữa trong việc kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng là qua khảo sát có đến trên 54% công chức cho rằng chưa đủ cơ sở hạ tầng để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.

Ông Minh nhận định việc này là khó thực hiện, bởi người có chức vụ quyền hạn không sống một mình mà sống cùng gia đình, bạn bè, người thân,…

“Nếu chúng ta chỉ kiểm tra một mình cán bộ đó thì họ lại chuyển tài sản sang chỗ khác. Nếu muốn kiểm soát được thì phải kiểm soát trên cả một nền tảng. Tiền anh tham nhũng nhưng anh để nhà người khác. Mà tài sản ra khỏi nhà anh là tôi chịu rồi”, ông Minh ví von.

Ví dụ như trường hợp của Giang Kim Đạt (cựu cán bộ của Vinashin), theo thông tin là có tới 40 biệt thự ở khắp nơi.

Giang Kim Đạt

Giang Kim Đạt được cho là đã dùng số tiền tham nhũng để mua 40 biệt thự trong và ngoài nước.

“Tôi nghĩ rằng đụng vào 40 cái biệt thự đó cũng không dễ đâu. Bởi có thể nó lẫn lộn tiền của ông bà, cha mẹ, cô chú,… rồi tên của người khác. Trong khi hiện nay người dân không có trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp. Nhà nước muốn chứng minh nguồn tài sản đó thế nào là trách nhiệm của Nhà Nước”, ông Minh nói.

Ông Minh đánh giá vấn đề này là vô cùng quan trọng và cần phải nghiên cứu thêm.

Ở một số nước khác, tiêu một khoản tiền không dễ. “Tôi có một anh bạn bố mẹ gửi cho 30.000 Euro sang Đức để thêm vào mua nhà. Bên Đức họ yêu cầu bố mẹ anh ta phải làm một hợp đồng tặng cho có công chứng, sau đó tiền chuyển sang Đức anh ta mới được tiêu”, ông Minh ví dụ.

Theo đánh giá của Tiến sĩ, nếu nước ta cũng làm chặt chẽ như thế có lẽ quan chức nghèo lắm, không có gì đâu. 

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang