Rao bán vật liệu, dạy chế pháo trên mạng xã hội: Ẩn hoạ khôn lường

author 19:44 12/12/2024

(VietQ.vn) - Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chợ rao bán vật liệu tự chế pháo, dạy chế pháo diễn ra nhộn nhịp trên mạng xã hội tiềm ẩn không ít nguy cơ.

Theo đó, hàng loạt clip từ hướng dẫn cách tự chế pháo, làm vỏ pháo, dây cháy chậm đến công thức pha chế thuốc nổ, thậm chí rao bán công khai các nguyên liệu làm pháo trên mạng xã hội. Người mua chỉ cần đặt hàng và lắp ráp như hướng dẫn là có thể tạo pháo nổ tại nhà một cách dễ dàng.

Một nhóm Facebook có tên “Chế pháo 2025” thu hút gần 15.000 người, thường xuyên hướng dẫn chế pháo nổ tại nhà và rao bán vật liệu để làm pháo đủ mẫu mã, giá thành khác nhau. Theo đó, mỗi ngày fanpage này có đến hàng chục bài viết với nhiều bình luận hướng dẫn cách làm pháo tự chế. Các bài viết được chia sẻ dưới dạng công thức rõ ràng.

Cụ thể, khi người muốn làm pháo tự chế, liên hệ nhắn tin cho một tài khoản Facebook tên DĐ, tài khoản này ngay lập tức gửi một danh sách có tám công thức với tám loại pháo khác nhau. Điểm chung của các loại pháo này đều được chế tạo từ kclo, natri, lưu huỳnh và than. Người này tiếp tục hỏi người mua đã tìm được nguyên liệu chế pháo chưa và báo giá từng loại hóa chất từ 30.000 đến 110.000 đồng/kg.

Tương tự, trên mạng xã hội như TikTok, YouTube cũng xuất hiện hàng loạt video hướng dẫn làm pháo tự chế tại nhà với nguyên liệu như trên. Các video hướng dẫn chi tiết từ khâu chọn vật liệu, liều lượng, cách trộn các loại hóa chất đến cách quấn pháo... để tạo ra thành phẩm “hiệu quả nhất” có “tiếng nổ lớn”.

Nhằm chứng minh “trình độ” dạy chế pháo, các tài khoản này còn đốt thử pháo đã chế để chứng minh sức nổ lớn và tác dụng. Dưới video, nhiều người dành lời khen và xin công thức chế pháo để thực hiện tại nhà.

Theo thông tin được báo chí đăng tải, thời điểm này, không ít thanh, thiếu niên, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi cắp sách tới trường lén lút mua các vật liệu tiền chất pháo nổ trôi nổi, sau đó tự chế, quấn pháo tại nhà. Điển hình, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ghi nhận vụ tai nạn do tự ý quấn pháo tự chế tại nhà làm một người tử vong, nhà cửa bị hư hỏng nặng, mái nhà bị thổi bay, gạch vỡ tung tóe trên nền đất.

Vật dụng chế pháo được bán tràn lan trên mạng.

Tương tự, một trường hợp bệnh nhân nam ở Quảng Ninh được chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp. Mặt gan bàn tay phải nham nhở, đụng dập, tụ máu nhiều, trật hở khối tụ cốt; gãy trật khớp bàn ngón I... Ngoài ra, bệnh nhân còn có vết thương ở bàn tay trái và thành bụng. Bệnh nhân được bác sĩ trong ca trực kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương: tiến hành đánh rửa vết thương nhiều lần, cắt lọc làm sạch, xử lý vết thương phần mềm, khâu phục hồi dây chằng khớp bàn ngón I...

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ từ pháo tự chế cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục người dân chấp hành quy định pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; tuyệt đối không lên mạng học các công thức làm pháo gây nguy hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

TS. Nguyễn Viết Ngọc, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khuyến cáo, tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, nhiều trường hợp tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người… nên điều trị khó khăn, tốn thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn. Vào dịp giáp Tết Nguyên đán hằng năm, Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị vết thương bàn tay do pháo nổ, đa số ở độ tuổi 10-16, tự chế pháo để chơi Tết.

“Trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, các gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm quy định về quản lý pháo. Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra”, TS Nguyễn Viết Ngọc lưu ý.

Tại điểm i khoản 4 điều 11 Nghị định 144/2021 quy định về hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm... hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Mặt khác, căn cứ Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép.

Theo đó, người từ 14 tuổi trở lên tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Trường hợp người đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Với người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang