65 năm và những bước phát triển của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Hội thảo khoa học Quốc tế về “Mật mã và An toàn thông tin lần thứ I” - VCRIS 2024
Sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ, thúc đẩy khoa học và đổi mới sáng tạo
Khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại Hội thảo “Chặng đường 65 năm và những bước phát triển của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam” vừa diễn ra ngày 10 tháng 12 năm 2024 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, 65 năm là một hành trình dài, ghi dấu sự cống hiến bền bỉ của các thế hệ đi trước và nỗ lực không ngừng nghỉ của những người đang tiếp nối sự nghiệp phát triển Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Tạp chí) ngày hôm nay. Bộ trưởng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Tạp chí.
Đặc biệt trong 10 năm qua, Tạp chí đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một tạp chí khoa học đa ngành, liên ngành uy tín quốc gia, hội nhập với khu vực và quốc tế. Có thể thấy rõ điều này qua việc Tạp chí đã được chấp nhận tham gia một số cơ sở dữ liệu khu vực và quốc tế, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước ghi nhận và tính điểm tối đa khi quy đổi công trình xét học hàm giáo sư, phó giáo sư ở nhiều ngành, liên ngành.
"Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là một trong những nhiệm vụ vừa có ý nghĩa chiến lược hàng đầu, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới sáng tạo và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, việc xuất bản các tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm đăng tải các công trình nghiên cứu tầm quốc gia, quốc tế, có chỉ số trích dẫn cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của nền khoa học - công nghệ nước nhà", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng kêu gọi các thành viên của hội đồng biên tập, các nhà khoa học trong và ngoài nước đồng hành, hợp tác và hỗ trợ để Tạp chí ngày càng phát triển, trở thành tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng cao, uy tín lớn.
Được biết, sau hơn 6 thập kỷ, Tạp chí đã phát triển thành một hệ thống gồm 5 ấn phẩm, phục vụ đa dạng nhu cầu độc giả. Các ấn bản này bao gồm: Bản A (phục vụ công tác quản lý khoa học và đổi mới sáng tạo); Bản B (đăng tải nghiên cứu bằng tiếng Việt trong nhiều lĩnh vực); ấn Bản C (VJSTE) và Bản D (VMOST JOSSH) bằng tiếng Anh và Bản E (tạp chí điện tử).
Việc công bố các nghiên cứu trên cơ sở dữ liệu quốc tế được Tạp chí thực hiện trên hai phiên bản C và D bằng tiếng Anh. Trong đó phiên bản C (VJSTE) tập trung vào các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, công nghệ và môi trường. Tạp chí bản C tham gia cơ sở dữ liệu khu vực Đông Nam Á (ACI) từ tháng 11 năm 2018, tham gia cơ sở dữ liệu quốc tế CABI (Centre for Agriculture and Biosciences International) năm 2018, OAJI (Open Academic Journals Index) tháng 4 năm 2021. Tháng 1 năm 2023, Tạp chí vào cơ sở dữ liệu quốc tế DOAJ (Directory of Open Access Journals).
Hiện nay Tạp chí bản C đã được 16 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 14 Hội đồng tính từ 1 đến 1,25 điểm. Bản D (VMOST JOSSH) đăng tải các bài báo khoa học lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tạp chí bản D đã được 7 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tính điểm công trình khoa học. Tháng 7, Tạp chí bản D đã có mặt trong cơ sở dữ liệu khu vực Đông Nam Á (ACI).
Từ năm 2023, Tạp chí bản C và bản D đã thực hiện quy trình xuất bản trực tuyến bằng hệ thống ScholarOne Manuscripts. Đây là hệ thống xuất bản quốc tế chuyên nghiệp nhất, được nhiều tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới sử dụng. Mỗi bài báo khoa học đều được đánh giá bởi ít nhất hai phản biện kín của Web of Science (WoS), được kiểm tra độ trùng lặp bằng phần mềm iThenticate. Các bài báo đều được gắn DOI khi xuất bản và đăng tải toàn văn dưới dạng full-text PDF. Tạp chí hướng đến mục tiêu xuất hiện trên các hệ thống uy tín như Web of Science và Scopus.
Ngoài ra Tạp chí có hai bản tiếng Việt, với bản A giới thiệu các bài báo phục vụ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bản B công bố nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Bản này được 25 Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 19 Hội đồng được tính điểm cao từ 0,75 đến 1 điểm.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương Giang - Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tạp chí đã xuất bản số đầu tiên vào năm 1959. Trong thời gian qua, Tạp chí thường xuyên đăng tải các bài viết của những nhà khoa học, nhà quản lý mà tên tuổi đã đi vào lịch sử dân tộc như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm... Với những cống hiến trong hơn 6 thập kỷ qua, Tạp chí đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Hồng Anh