Tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả vẫn diễn biến phức tạp

(VietQ.vn) - Theo lực lượng Quản lý thị trường một số tỉnh, thời gian qua hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Vinschool nhận thêm giải thưởng quốc tế danh giá 'Đội ngũ lãnh đạo xuất sắc'
Long Châu và hành trình 4 năm bền bỉ “sẻ chia yêu thương, phục vụ sức khỏe cộng đồng”
Flamingo nhận 3 giải tại lễ vinh danh Thương hiệu Bất động sản dẫn đầu 2024 - 2025
Sản xuất, kinh doanh thuốc giả hoành hành
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Qua công tác quản lý, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã xử lý vi phạm hành chính một số cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Điển hình, Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh phối hợp các đơn vị niêm phong 7 loại thuốc không đạt chất lượng của 7 cơ sở bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền tại thành phố Thuận An, thành phố Bến Cát và thành phố Tân Uyên.
Trước đó, sau nhiều ngày phối hợp thực hiện biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Dương nắm tình hình một số đối tượng có biểu hiện nghi vấn sản xuất, tàng trữ, kinh doanh hàng giả trên địa bàn. Khi thời cơ thích hợp, Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh Bình Dương phối hợp khám xét ki-ốt chứa hàng ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An. Kết quả phát hiện trong ki-ốt chứa 2.460 viên thuốc tây dùng cho người dạng viên nén, nhãn hiệu Fugacar loại 500mg/ viên; hộp 1 viên; trên bao bì thể hiện xuất xứ tại Thái Lan; cùng 5.082 tem chống giả; 2.700 viên thực phẩm chức năng (cường dương) có nhãn gốc bằng tiếng Ả Rập và 70.272 bao cao su các loại trên bao bì thể hiện xuất xứ Thái Lan.

Sản xuất và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây nguy hiểm tới tính mạng người sử dụng. (Ảnh minh họa)
Toàn bộ số hàng hóa trên do ông Nguyễn Đức Lương (sinh năm 1992, quê Hà Tĩnh) thuê ki-ốt để chứa. Ông Lương không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 5 cùng các lực lượng phối hợp lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để Đội Quản lý thị trường số 5 tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định.
Ngoài ra, các thông báo của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho thấy thời gian qua đã phát hiện các lô thuốc giả như: Viên nén Cefixim 200, viên nén Cefuroxim 500, viên nén Clorocid TW3, viên nén Tetracyclin TW3.
Hay tại thành phố Hồ Chí Minh, hồi giữa tháng 1/2025 Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, tạm giam Ngô Kim Diệu (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kingpharm) và Nguyễn Thị Ngọc Hương (sinh năm 1986, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kiến Lâm, vợ Diệu) cùng 20 người khác về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".
Quá trình khám xét, các đơn vị đã thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu các loại (trong đó có 56.255 đơn vị sản phẩm thuốc giả, còn lại là nguyên liệu hoặc thuốc chưa thành phẩm); 1.600kg bột nguyên liệu dùng để sản xuất viên nén thuốc giả; 5 hệ thống máy móc để đóng viên nang, ép vỉ, bóng viên nang, đóng lọ, cán nóng ép miệng túi bao bì chứa thuốc. Các sản phẩm thuốc giả thu giữ trên bao bì ghi công dụng trị xương khớp, trĩ, ngứa; trên vỏ hộp ghi do doanh nghiệp tại Singapore hoặc Malaysia sản xuất.
Mối nguy hiểm từ thuốc giả
Nói về thực trạng thuốc giả, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, thuốc giả và thuốc thật khi để cạnh nhau rất khó phân biệt, chỉ có thể phát hiện điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng. “Thuốc giả không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, gây hại đến tính mạng mà còn giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến uy tín nhà cung cấp dược phẩm chân chính”, bác sĩ Chín cho biết.
Trong khi đó, bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho hay: “Dùng phải thuốc giả rất nguy hiểm, không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả nên có thể làm gia tăng độc tính cho cơ thể. Các loại thuốc bổ sung vitamin kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất, khi dùng không đạt được hiệu quả bổ sung như mong muốn”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, đối với người bệnh mạn tính như rối loạn tiền đình, các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, hen suyễn, phế quản mạn tính cần sử dụng thuốc lâu dài, thậm chí suốt đời. Nếu người bệnh dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng sẽ không kiểm soát được bệnh, thậm chí đe dọa tính mạng.
Người bị rối loạn tiền đình, thiếu máu não, bệnh nhân dùng thuốc giả dẫn đến ăn kém, ngủ kém, căng thẳng… làm tình trạng rối loạn tiền đình nặng nề thêm, thậm chí xuất hiện thêm bệnh mới, như rối loạn giấc ngủ, trào ngược dạ dày - thực quản… Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, thuốc giả khiến huyết áp và nhịp tim không được kiểm soát, bệnh nhân dễ gặp các biến cố tim mạch, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Thuốc giả dùng cho người bệnh ung thư khiến bệnh tình nặng hơn và rút ngắn đáng kể thời gian sống thêm của họ. Tương tự, các thuốc trị đái tháo đường, tăng mỡ máu, gout… nếu bị làm giả sẽ khiến cho bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Với bệnh nhân hen suyễn, các loại thuốc giả điều trị dự phòng cơn hen, người bệnh có thể lên cơn suy hô hấp, thậm chí tử vong nhanh chóng.
Trong các bệnh phổi mạn tính, ngoài các thuốc giãn phế quản, vai trò của kháng sinh là rất quan trọng trong dự phòng và điều trị bội nhiễm đường hô hấp. Nếu sử dụng phải kháng sinh giả dẫn đến tình trạng viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong.
An Dương (T/h)