ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022

author 13:14 21/07/2022

(VietQ.vn) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố thông tin vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022. Ảnh minh họa. 

Theo đó, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 như đã từng công bố trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2022.

Cụ thể, tăng trưởng được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công. Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát là không thay đổi so với dự báo của ADB hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

Mới đây, Ngân hàng HSBC cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây đồng thời ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7%. Chuyên gia HSBC phân tích, sau 2 quý tái mở cửa ổn định, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tiếp tục là ví dụ nổi trội trong khu vực. Tăng trưởng GDP quý 2 chạm mốc 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường (HSBC: 5,8%; các tổ chức nghiên cứu: 5,9%). Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực.

Nhờ dỡ bỏ những hạn chế quan trọng trong nước và đối với quốc tế vào giữa tháng Ba, các lĩnh vực liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận chuyển và lưu trú đã bắt đầu khởi sắc. Trong khi đó, ngành bán lẻ trong quý 2/2022 đã tăng vọt 17% so với cùng kỳ, dấu hiệu cho thấy tiêu dùng hộ gia đình phục hồi trở lại.

Ngoài ra, ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cho khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương xuống còn 4,6% trong năm nay do mức tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc, việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế phát triển, hậu quả từ cuộc chiến tranh tiếp diễn của Nga tại Ucraine.

Triển vọng này thấp hơn so với mức dự báo 5,2% của ADB hồi tháng 4 vừa qua. Ngân hàng cũng nâng dự báo lạm phát trong khu vực, trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu cao hơn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB - ông Albert Park nhận định: “Tác động kinh tế của đại dịch đã giảm trên hầu hết khu vực châu Á, nhưng chúng ta còn xa mới đạt được trạng thái phục hồi hoàn toàn và bền vững. Bên cạnh tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc, hậu quả của cuộc chiến tranh ở Ucraine đã làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải tăng lãi suất, từ đó kìm hãm tăng trưởng”.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang