Ấn Độ hướng chất lượng thuốc tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế

author 22:07 08/04/2024

(VietQ.vn) - Từ lâu Ấn Độ đã trở thành một 'siêu cường' trong sản xuất dược phẩm. Tuy nhiên trong những năm gần đây ngành sản xuất dược của nước này đã gặp không ít bê bối liên quan tới chất lượng thuốc không đảm bảo.

Từ trước tới nay Ấn Độ vẫn được mệnh danh là "nhà thuốc của thế giới", khi quốc gia này là một trong những trung tâm sản xuất dược phẩm lớn nhất toàn cầu. Hơn 60% lượng vaccine trên toàn thế giới hiện nay là được sản xuất tại Ấn Độ. Ngành công nghiệp dược phẩm mang lại cho Ấn Độ 50 tỷ USD mỗi năm. Hiện thuốc sản xuất tại Ấn Độ đang xuất đi trên 200 quốc gia trên thế giới. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành sản xuất dược của nước này đang đứng trước một sức ép lớn. Những yêu cầu cải tổ đang ngày càng mạnh mẽ, sau một loạt các bê bối xảy ra với các loại thuốc sản xuất tại Ấn Độ.

Theo kết luận của Cơ quan dược phẩm Ấn Độ, từ tháng 3/2019 tới nay đã có gần 2.000 mẫu thuốc không đạt chuẩn do các công ty trong nước sản xuất.

Điển hình, vào năm 2022, một nhóm nhỏ các nhà điều tra của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có mặt tại một nhà máy dược phẩm ở phía Tây Ấn Độ sản xuất thuốc điều trị ung thư xuất khẩu sang Mỹ.

 Nhiều vụ bê bối về chất lượng thuốc khiến ngành dược Ấn Độ đang dần mất uy tín. Ảnh minh họa

Tại đây, các nhà điều tra phát hiện một số tài liệu đã được nhúng vào axit acetic trong thùng rác. Một số tài liệu khác có dữ liệu về sản xuất và thử nghiệm thuốc bị xé bỏ và đựng trong túi nilon cất giữ bên dưới một cầu thang. Các tài liệu này cho thấy đã thao túng dữ liệu về sản phẩm và cố gắng che giấu điều này. Sáu tháng sau đó, FDA yêu cầu thu hồi các loại thuốc kém chất lượng và ngừng nhập khẩu thuốc từ nhà máy nói trên. 

Một bê bối nghiêm trọng khác liên quan tới sirô ho do Ấn Độ sản xuất bị nhiễm độc. Từ năm 2022 đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận siro ho “nhiễm độc” do các công ty Ấn Độ Maiden Pharma, Marion Biotech và Riemann Labs có liên quan tới cái chết của ít nhất 141 trẻ em tại Gambia, Uzbekistan và Cameroon. Hay thuốc nhỏ mắt của công ty Ấn Độ Global Pharma Healthcare được cho có liên quan tới 4 ca tử vong và bị mù ở Mỹ.

Được biết trước đó vào năm 2013, Maiden Pharmaceuticals là 1 trong 46 công ty Ấn Độ bị Việt Nam đưa vào “danh sách đen” năm 2013 vì cung cấp sản phẩm chất lượng kém.

Trước thực trạng này, ông Yanzhong Huang, một chuyên gia cấp cao về y tế tại tổ chức nghiên cứu độc lập Council on Foreign Relations (CFR) của Mỹ, nhận định, Ấn Độ có thể duy trì vị trí dẫn đầu nếu thực hiện cải cách toàn diện để đưa các quy định trong nước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ tiên tiến cũng như tập trung đào tạo con người.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ cũng cho rằng, các nhà sản xuất dược giờ đây không chỉ nghĩ đến việc sản xuất, cung cấp dược phẩm ra thị trường mà phải là cung cấp, sản xuất được những dược phẩm có chất lượng.

Chủ tịch Công ty Dược phẩm Dr Reddy's Laboratories của Ấn Độ, K Satish Reddy cũng dự báo, ngành công nghiệp dược phẩm của nước này ước tính sẽ tăng gần gấp 3 lần lên khoảng 130 tỷ USD vào năm 2030. Hiện tại quy mô ngành dược phẩm vào khoảng 42 tỷ USD, trong đó một nửa là doanh thu trong nước, một nửa là xuất khẩu. 

Ông Reddy nhấn mạnh sự khuyến khích của Chính phủ, với nhiều cải cách nhằm khuyến khích ngành công nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cùng với những biện pháp khác, đều là những tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng của ngành dược phẩm Ấn Độ trong thời gian tới. 

Do thuốc là mặt hàng được nhà nước quản lý đặc biệt, kinh doanh dược phẩm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi chất lượng thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị, sức khỏe và an toàn của người dùng. Bởi vậy công tác đảm bảo chất lượng thuốc là mục tiêu quan trọng nhằm duy trì hiệu lực dược lý của chế phẩm cũng như đảm bảo an toàn và quyền lợi của người bệnh.

Ngày nay công nghiệp dược phát triển đã tạo ra một nguồn cung thuốc chữa bệnh phong phú, đa dạng tuy nhiên đây cũng là thách thức lớn trong công tác quản lý, kiểm tra chất lượng dược phẩm. Việc sử dụng không hiệu quả cũng như thuốc kém chất lượng sẽ không chỉ gây tác động xấu đến sức khoẻ người bệnh mà còn làm xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống y tế của một quốc gia. Vì thế, việc sản xuất, tồn trữ, phân phối và sử dụng thuốc tại mỗi quốc gia cần phải được thực hiện theo một khung pháp lý chặt chẽ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang