An Giang: Tạm giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt

author 10:05 16/05/2024

(VietQ.vn) - Qua khám phương tiện lưu thông trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang) phối hợp Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang tiến hành kiểm tra 2 phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 62H-038xx do ông L.V.D, sinh năm 1988 điều khiển trên khu vực khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Phương tiện vận chuyển số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc không có nhãn phụ tiếng Việt Ảnh: Cục QLTT An Giang

Quá trình kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 5.000kg Phân bón KNO3 13-0-46 (Multi - K), loại 25kg/bao, do Israel sản xuất và 2.500kg Hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhãn hiệu Thiourea, loại 25kg/bao, do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa gồm 150 bình giữ nhiệt, hiệu Vacuum Cup nhiều kích cỡ (size 1.000ml; 800ml và 600ml); 24 bình đun siêu tốc hiệu JIDLAI THAILANB, loại 2.5 lít; 30 gương soi hiệu CARTOON MAKEUP MIRROR; 235 cây bật lửa hiệu JINGZE có xuất xứ Trung Quốc.

Cùng thời gian và địa điểm nêu trên, Đội Quản lý thị trường số 4 tiếp tục phối hợp Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang khám phương tiện xe ô tô tải hiệu CHENG LONG biển kiểm soát 62H – 026.57 do ông L.Q.K, sinh năm 1990 điều khiển.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện, tạm giữ số hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT An Giang

Qua khám phương tiện, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều loại hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp gồm: 1.600 cái Máy xay rau củ quả nhãn hiệu OSAKA, model: FP126-P, size 124x124x227mm, xuất xứ Trung Quốc; 400 cái Loa Karaoke xách tay, không nhãn hiệu, model: K12, xuất xứ Trung Quốc; 965 đôi Dép quai kẹp (gồm 275 đôi nhãn hiệu LACOSTE; 590 đôi nhãn hiệu ALDO và 100 đôi nhãn hiệu PEDRO).

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong số hàng hóa nêu trên để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, với tổng trị giá hàng hóa tạm giữ ước tính khoảng 150 triệu đồng.

Trước đó, Lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện, thu giữ 1,44 tấn đường cát có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn. Trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 29,5 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ tang vật vi phạm hành chính của phương tiện xe ô tô tải nêu trên để tiếp tục xác minh tình tiết, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Với hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, căn cứ theo Điều 4,5 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 08 năm 2020 của Chính Phủ, xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 02 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng. Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Về mức phạt tiền, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Còn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

 

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang