An toàn thông tin – Yếu tố cốt lõi trong hành trình chuyển đổi số

author 15:03 28/11/2024

(VietQ.vn) - Cùng với sự bùng nổ của công nghệ và số hóa trong mọi lĩnh vực, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin trở thành yếu tố then chốt, đóng vai trò nền tảng để đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

An toàn thông tin là yếu tố then chốt hướng tới sự thành công của chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn cầu, và Việt Nam không phải ngoại lệ. Quá trình này không chỉ nhằm hiện đại hóa mô hình kinh tế, xã hội mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng một quốc gia phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của công nghệ và số hóa trong mọi lĩnh vực, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin trở thành yếu tố then chốt, đóng vai trò nền tảng để đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi này.

An ninh mạng là nền tảng cho sự thành công của chuyển đổi số. Ảnh: SafeGate

Tương tự nhiều quốc gia khác, an ninh mạng tại Việt Nam luôn là một vấn đề nóng bỏng. Theo ông Trần Minh Quảng - Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng (Viettel Cyber Security), các cuộc tấn công mạng đang trở nên ngày càng nguy hiểm và tinh vi. Tin tặc hiện nay không chỉ hoạt động riêng lẻ mà còn được tổ chức chuyên nghiệp, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, sẵn sàng thực hiện những cuộc tấn công quy mô lớn.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam đang là mục tiêu chính của tin tặc, trong đó dữ liệu người dùng được xem như “mỏ vàng” để khai thác. Tuy nhiên, khả năng ứng phó của nhiều doanh nghiệp trước các sự cố an ninh mạng còn hạn chế. Thời gian trung bình để khắc phục hậu quả sau một cuộc tấn công có thể kéo dài đến một tháng, gây tổn hại không nhỏ về uy tín, chi phí và rủi ro cho khách hàng.

Giải pháp tăng cường an toàn thông tin

Nhận thức được tầm quan trọng của an ninh mạng, nhiều doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam đã chủ động đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp bảo mật. Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng nội địa, cho phép tự chủ về công nghệ và giải pháp.

Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (SafeGate) gần đây đã ra mắt hai sản phẩm chiến lược: SafeGate Office và SafeGate Cyber Care. Trong đó, SafeGate Office là giải pháp tường lửa thông minh, thiết kế dành riêng cho các tổ chức, doanh nghiệp với hai phiên bản Office Standard và Office Pro, đáp ứng từ nhu cầu cơ bản đến nâng cao. SafeGate Office không chỉ hỗ trợ kiểm soát thiết bị truy cập mạng, quản lý băng thông mà còn tích hợp tính năng quản trị đơn giản qua Cloud, giúp doanh nghiệp nhỏ và lớn đều dễ dàng vận hành hệ thống.

Đối với SafeGate Cyber Care là dịch vụ an ninh mạng trọn gói, từ rà soát, kiểm tra hệ thống đến đưa ra các giải pháp ứng phó với nguy cơ lộ lọt dữ liệu. Dịch vụ này còn cung cấp hỗ trợ 24/7, giúp các tổ chức sẵn sàng đối phó với các sự cố an ninh mạng bất ngờ.

Ông Ngô Tuấn Anh - Chủ tịch kiêm CEO SafeGate khẳng định: "SafeGate sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để đảm bảo an toàn trong hành trình chuyển đổi số."

Tháng 11/2024, Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) và Xcurenet - công ty công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác, tạo bước đột phá trong việc phát triển các dịch vụ an ninh mạng toàn diện. Sự hợp tác này không chỉ củng cố năng lực bảo mật nội địa mà còn mở rộng cơ hội đưa các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Ông Trương Đức Lượng - Chủ tịch HĐQT VSEC chia sẻ, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, nhu cầu bảo vệ thông tin cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng. Việc kết hợp giữa kinh nghiệm vận hành Trung tâm Giám sát và Vận hành (SOC) của VSEC cùng công nghệ tiên tiến từ Xcurenet được kỳ vọng sẽ tạo ra các giải pháp đột phá, nâng tầm an ninh mạng tại Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc an ninh mạng, không chỉ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đủ khả năng phát triển các sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng để xuất khẩu. Đây là một tham vọng lớn, nhưng hoàn toàn khả thi nếu các doanh nghiệp nội địa tiếp tục giữ vai trò tiên phong.

Theo ông Trương Đức Lượng, các tổ chức và doanh nghiệp cần tự trang bị hệ thống bảo mật như tường lửa, endpoint, đồng thời thường xuyên đánh giá bảo mật hệ thống và đào tạo nhân sự theo các tiêu chuẩn quốc tế. Song song đó, các doanh nghiệp cần chú trọng tập huấn và diễn tập định kỳ để nâng cao khả năng ứng phó với các mối đe dọa.

An toàn thông tin không chỉ là yêu cầu mà còn là yếu tố sống còn trong thời đại số hóa. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ cả phía chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực an ninh mạng. Cùng với việc xây dựng một hệ sinh thái bảo mật toàn diện và hợp tác quốc tế hiệu quả, mục tiêu trở thành cường quốc an ninh mạng của Việt Nam không chỉ là ước mơ mà đang dần trở thành hiện thực.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang