Anh cảnh báo: Vitamin D không giúp trẻ thoát khỏi những cơn hen nguy hiểm

author 17:16 07/02/2023

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Queen Mary (London - Anh) cảnh báo, uống viên bổ sung vitamin D không giúp trẻ em thoát khỏi những cơn hen nguy hiểm.

Vitamin D không giúp trẻ thoát khỏi những cơn hen nguy hiểm

Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này trái ngược với Cochrane Review, một bản đánh giá dựa trên nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận Cochrane của Anh chủ trì trước đó mà nhiều thành viên trong nhóm mới này cũng tham gia.

Nghiên cứu mới được dẫn đầu bởi giáo sư lâm sàng về nhiễm trùng hô hấp và miễn dịch Adrian Martineau của Trường Đại học Queen Mary - đã phân tích dữ liệu từ 20 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, với tổng cộng 1.555 trẻ em và 1.070 người lớn mắc bệnh hen suyễn.

Nhóm khoa học gia Queen Mary đã cho các bệnh nhân dùng vitamin D hoặc giả dược, tức họ không biết mình có uống vitamin D bổ sung hay không. Kết quả theo dõi cho thấy hoàn toàn không có khác biệt có ý nghĩa thống kê nào về tần suất lên cơn hen ở hai nhóm.

Người uống vitamin D cũng không có sự cải thiện nào về triệu chứng khi lên cơn hen, so với nhóm dùng giả dược. Kết quả là tương tự ở trẻ em và cả người lớn. Thứ họ cần nhất vẫn là thuốc được kê đơn cho người bị hen suyễn để tránh việc bị nguy hiểm đến tính mạng vì cơn hen.

 Vitamin D không giúp trẻ thoát khỏi những cơn hen nguy hiểm cha mẹ cần biết. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Anne Williamson, người cũng đến từ Queen Mary và tham gia cả hai nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi không thể chắc chắn tại sao kết quả cập nhật này lại khác với nghiên cứu ban đầu năm 2016. Có thể người bệnh hen suyễn được điều trị tốt hơn, hoặc tỉ lệ thiếu vitamin D đã giảm theo thời gian. Một trong hai yếu tố có thể làm chia sẻ tiềm năng từ việc bổ sung vitamin D".

Điều này khẳng định việc cập nhật các đánh giá và khuyến nghị dựa trên thực hiện lặp lại với quy mô lớn hơn các nghiên cứu được công bố là rất quan trọng, nhất là với các nghiên cứu dạng quan sát (chưa xác định cụ thể cơ chế).

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng không tìm thấy bất lợi nào của Vitamin D đối với người hen suyễn, nên khuyến cáo vẫn có thể bổ sung vì các mục đích sức khỏe khác, nếu bạn thiếu hụt. Công trình mới vừa được xuất bản trên Cochrane Database of Systematic Reviews.

Các triệu chứng khi trẻ lên cơn hen

Hen suyễn ở trẻ là một tình trạng rất phổ biến hiện nay, điều đáng lo ngại là bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu hen suyễn ở trẻ không được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể gây ra các tai biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản, là một bệnh hô hấp mạn tính rất thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản người bệnh sẽ bị co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy gây tắc nghẽn làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở.

Yếu tố kích thích các đợt khởi phát hen suyễn ở trẻ em thường là do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, lông thú, khói thuốc lá, hóa chất; do nhiễm trùng không khí, do thay đổi thời tiết,...

Các triệu chứng gợi ý trẻ bị hen suyễn: Trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là ho nhiều về đêm. Ho là một phản ứng của cơ thể giúp đẩy các chất bài tiết hoặc các dị nguyên như khói, bụi, phấn hoa,... ra ngoài. Ho là triệu chứng của nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác nhau nhưng nếu tình trạng ho kéo dài, ho đặc biệt nhiều vào ban đêm thì có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.

Thở khò khè: Do phế quản bị phù nề, không khí qua phế quản bị cản trở tạo nên âm thanh khò khè. Đây được coi là dấu hiệu điển hình của hen suyễn.

Khó thở, hơi thở rất nhanh và gấp: Trẻ bị khó thở do đường thở bị co hẹp, hiện tượng thở nhanh, thở gấp sẽ nặng hơn khi trẻ vận động như chạy bộ, leo cầu thang,...

Mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi: khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy trẻ sẽ có các dấu hiệu mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, ra mồ hôi.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh hen suyễn ở trẻ nếu không phát hiện sớm

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh hen cao gấp đôi so với người lớn (tỉ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em là 10% so với người lớn là 5%). Nhóm trẻ em 12-13 tuổi ở nước ta có tỉ lệ mắc bệnh hen cao hàng đầu Châu Á và xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hen suyễn ở trẻ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

Xẹp phổi: Đây là một biến chứng thường gặp, xuất hiện ở hơn 1/3 trẻ em nhập viện do hen phế quản. Khi hen được kiểm soát, tình trạng xẹp phổi sẽ được cải thiện.

Giãn phế nang đa tiểu thùy: Ở bệnh nhân bị hen, sự đàn hồi của các phế nang sẽ giảm dần theo theo thời gian dẫn đến giảm thể tích khí thở ra, khí cặn tăng.

Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Bệnh hen phế quản làm các phế nang bị giãn rộng, tại các vùng phế nang bị giãn ít có mạch máu nuôi dưỡng, áp lực trong phế nang tăng. Khi phải làm việc nặng hoặc ho mạnh, phế nang dễ bị vỡ gây tràn màng phổi, tràn khí trung thất.

Ngừng hô hấp kèm tổn thương não: tình trạng suy hô hấp kéo dài gây ra thiếu oxy não.

Suy hô hấp: thường gặp ở các bệnh nhân hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Bệnh nhân khó thở liên tục, tím tái, đôi lúc ngừng thở và phải được sự hỗ trợ của máy thở. Đây là một tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong.

Hen suyễn ở trẻ khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ thì có thể kiểm soát được bệnh.

Cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu trẻ sắp lên cơn hen như trẻ ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, thức giấc về đêm. Cho trẻ sử dụng các thuốc cắt cơn tác dụng nhanh dạng hít hoặc xông do bác sĩ hướng dẫn, sau đó cho trẻ nghỉ ngơi ít nhất 1 giờ.

Trường hợp thuốc cắt cơn không có tác dụng, tình trạng khó thở vẫn còn tiếp diễn, trẻ nói năng khó nhọc, trẻ phải ngồi thở, cánh mũi phập phồng, co kép vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, môi và đầu ngón tay bị tím tái. Đây là tình trạng nguy kịch, phải nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang