Áp dụng công cụ MFCA, doanh nghiệp giảm tác động môi trường và chi phí kinh tế

author 12:40 13/02/2025

(VietQ.vn) - Bằng phương pháp MFCA doanh nghiệp có thể phân tích tổn thất kinh tế (chi phí tổn thất) do tổn thất nguyên vật liệu không và những tổn thất liên quan đến tổng chi phí sản xuất bao gồm chi phí liên quan quá trình, năng lượng, xử lý chất thải và các chi phí khác.

Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) là công cụ cải tiến năng suất hữu hiệu nhằm giảm đồng thời tác động môi trường và chi phí kinh tế. Theo phương pháp này, chất thải cũng được coi là một chi phí, đó là chi phí hao tổn. Để tính toán, MFCA gộp tất cả thông tin về chi phí, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí quá trình, chi phí năng lượng, chi phí xử lý chất thải và các chi phí khác vào dữ liệu về khối lượng trên cơ sở dòng nguyên vật liệu.

Nhờ đó chúng ta biết được dòng của mỗi nguyên vật liệu trong suốt quá trình và bổ sung khối lượng, thông tin chi phí vào dòng đó. Như vậy, bằng phương pháp MFCA một doanh nghiệp có thể phân tích tổn thất kinh tế (chi phí tổn thất) do tổn thất nguyên vật liệu không và những tổn thất liên quan đến tổng chi phí sản xuất bao gồm chi phí liên quan quá trình, năng lượng, xử lý chất thải và các chi phí khác.

MFCA là công cụ cải tiến năng suất hữu hiệu nhằm giảm đồng thời tác động môi trường và chi phí kinh tế. Ảnh minh họa.

Sự khác biệt giữa cách tính chi phí theo MFCA và hạch toán chi phí thông thường là cách định khoản các chi phí. Hạch toán chi phí thông thường hướng đến tính toán lợi nhuận tổng theo doanh số bán hàng.

Thông thường chúng ta gộp tất cả chi phí phát sinh trong nhà máy theo sản phẩm để đưa ra chi phí sản xuất cho mỗi một sản phẩm. Do đó, mức độ tổn thất trong quá trình sản xuất không được xác định là một phần của chi phí trong hạch toán chi phí thông thường. Trong khi đó, MFCA coi tất cả nguyên vật liệu mà không chuyển thành sản phẩm là tổn thất. Lượng của chúng được xác định là chi phí không đưa vào sản phẩm và chi phí của chúng được ghi lại như là chi phí phế phẩm.

Cụ thể, tất cả chi phí sản xuất được chia thành 4 nhóm sau: MC: Các chi phí nguyên vật liệu (chi phí nguyên vật liệu bao gồm nguyên vật liệu chính đưa vào quá trình đầu tiên, nguyên vật liệu phụ đưa vào các quá trình trung gian và nguyên vật liệu phụ trợ như là bột giặt, dung môi hay chất xúc tác); SC: Các chi phí hệ thống (chi phí quá trình bao gồm chi phí lao động, chi phí do mất giá, chi phí tính trên đầu người...); EC: Các chi phí năng lượng (chi phí cho điện, xăng dầu, các yếu tố bổ trợ và năng lượng khác); Các chi phí xử lý chất thải.

MFCA được xem như công cụ giúp doanh nghiệp nhận ra được sự hòa hợp giữa tăng hiệu quả kinh tế và giảm tác động môi trường; Áp dụng MFCA, doanh nghiệp có thể xác định tổn thất bằng định lượng vật lý và giá trị tiền tệ, phát hiện lượng tổn thất “ẩn”, làm cho tổn thất “có thể quan sát thấy” và thấy sự cần thiết để cải tiến. Đồng thời, MFCA giúp các doanh nghiệp giảm chất thải tạo ra và giảm chi phí tái chế, xử lý chất thải. Giảm chất thải tạo ra trực tiếp dẫn đến giảm nguyên vật liệu đầu vào và chi phí của nguyên vật liệu, điều này trực tiếp giảm chi phí.

Nhà máy Bánh kẹo Biscafun (Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) được đánh giá như một mô hình điểm cho việc áp dụng công cụ MFCA. 

Tại nhà máy Bánh kẹo Biscafun (Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) được đánh giá như mô hình điểm cho việc áp dụng công cụ MFCA trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về năng suất, chất lượng. MFCA được triển khai áp dụng cho dây chuyền sản xuất bánh Waleys; dây chuyền sản xuất bánh Chocovina; dây chuyền sản xuất kẹo cứng rót khuôn. Đây là các dây chuyền sản xuất bánh kẹo có nhiều tổn thất nguyên, nhiên liệu.

MFCA đã xác định hao phí nguyên liệu, phụ gia, nước vệ sinh tại công đoạn nấu siro của dây chuyền sản xuất kẹo cứng; hao phí nguyên liệu kem tại công đoạn kẹp kem của dây chuyền sản xuất bánh Chocovina; hao phí nguyên liệu, phụ gia tại công đoạn nướng bánh của dây chuyền sản xuất bánh Waleys. Đồng thời, thực hiện các giải pháp cải tiến: lắp đặt hệ thống máng thu hồi nước làm mát bơm; cải tiến tần suất làm vệ sinh của dây chuyền sản xuất kẹo cứng; cải tiến quy trình xả kem của dây chuyền sản xuất bánh Chocovina. 

Kết quả, áp dụng MFCA đã làm giảm thất thoát chất khô của nguyên liệu trong ca từ 22,11 kg xuống 13,42 kg; giảm tổn thất nguyên liệu, phụ gia sản xuất của dây chuyền sản xuất bánh Chocovina; xác định tổn thất nguyên liệu, phụ gia tại công đoạn nướng bánh của dây chuyền sản xuất bánh Waleys và đề xuất giải pháp cải tiến lên lãnh đạo nhà máy... 

Hiện nay, công cụ cải tiến MFCA được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới áp dụng, giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang