Áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ cửa hàng xăng dầu: Còn nhiều thách thức

author 11:41 19/11/2023

(VietQ.vn) - Quy định mới về hóa đơn điện tử và kết nối cơ quan thuế có thể tạo ra những khó khăn đáng kể cho nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc, dẫn đến nguy cơ đứt nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng.

Sự kiện: CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại đô thị phải thực hiện chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử trong 1 năm, trong khi ở các khu vực miền núi, vùng sâu, xa, thời hạn này là 2 năm sau khi quy định mới được ban hành.

Sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không tiền mặt ở cửa hàng xăng dầu. Ảnh minh họa

Thống kê từ 35/63 Sở Công thương các tỉnh và thành phố trên cả nước cho thấy có khoảng 10.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó, gần 20% (1.894 cửa hàng) sắp hết hiệu lực giấy chứng nhận và phải xin cấp lại trong vòng một năm tới. Trong quý I/2024, 752 cửa hàng tại 35 tỉnh thành có thể phải thực hiện ngay nếu quy định hóa đơn điện tử trở thành điều kiện cần thiết khi cấp lại giấy phép kinh doanh.

Đồng thời, Bộ Công thương đưa ra dữ liệu chi tiết về chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện hóa đơn điện tử. Theo tính toán, mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng sẽ phải chi trả khoảng 3 triệu đồng cho thiết bị in. Với 17.000 cửa hàng bán lẻ, chi phí này sẽ lên đến hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi phí trang bị chip đồng bộ và kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PV Oil và Mipecorp đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho việc áp dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, hàng chục nghìn cây xăng của doanh nghiệp bán lẻ khác chưa áp dụng do chi phí đầu tư lớn và thời gian triển khai kéo dài từ 1-3 năm.

Trong khi Bộ Công Thương nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng hóa đơn điện tử trong ngành xăng dầu, phía doanh nghiệp cũng lo ngại và đề xuất điều chỉnh quy định để giảm bớt khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Phát chia sẻ quan điểm rằng việc xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bơm xăng không phù hợp và đề xuất tổng hợp xuất hóa đơn phù hợp với số liệu cơ quan thuế thu thập.

"Bán hàng xuất hóa đơn điện tử là việc 100% doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Nhưng câu chuyện xuất hóa đơn mỗi lần bơm đối với xăng dầu là chưa phù hợp ở giai đoạn hiện nay do thói quen và hình thức kinh doanh giao nhận xăng dầu vẫn mang đặc thù; người dân mua và thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu. Do đó, trước đến nay, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thực hiện việc gộp những lần bán hàng cho người dân trả bằng tiền mặt, không nhận hóa đơn vào một hóa đơn tổng hợp với người mua là "khách hàng mua lẻ không lấy hóa đơn", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, câu chuyện xăng dầu thực ra không phải là xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán hàng mà là câu chuyện kết nối số liệu bán hàng tại trụ bơm (tương tự như tại các máy bán hàng, máy xuất hoá đơn của nhà hàng, tiệm thuốc...). Việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tổng hợp xuất hóa đơn phù hợp với số liệu cơ quan thuế thu thập, điều này mới đảm bảo việc thuận lợi, thuận tiện, chống thất thu và gian lận thuế.

"Việc kết nối dữ liệu này sẽ dần tự động hoàn toàn khi các đầu số đời mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kết nối, chuẩn hóa dữ liệu từ trụ bơm (máy bán hàng) đến cơ quan thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế, quản lý nhà nước phải tính toán căn cơ, chiết giảm tối đa chi phí vận hành kết nối, xuất hóa đơn điện tử để đảm bảo quyền lợi và lợi nhuận hợp pháp của doanh nghiệp" - ông Thắng nói.

Trước bức tranh này, Chính phủ đang xem xét cẩn thận để đưa ra quyết định cuối cùng nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa quy định và khả năng thực hiện trong thị trường năng lượng đầy thách thức.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang