Bác bỏ thông tin COVID-19 bị nhiễm phóng xạ gây đông máu

author 06:10 16/07/2021

(VietQ.vn) - Bộ Y tế bác bỏ thông tin sai sự thật được lan truyền trên mạng xã hội cho rằng COVID-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ, gây đông máu và tử vong.

Bộ Y tế vừa có thông báo bác bỏ thông tin sai sự thật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể, hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore, cho rằng COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người.

Nội dung tin nhắn nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi các bệnh nhân tử vong do COVID- 19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID- 19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu.

Bộ Y tế Việt Nam khẳng định, đây hoàn toàn là thông tin sai sự thật. Bộ Y tế không đưa ra thông tin và chưa từng có bất kỳ khuyến cáo nào như trên.

Tin đồn sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội về nguồn gốc virus.

Liên quan tới việc đấu tranh, xử lý, chống tin tức sai sự thật về dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh mới đây cũng  khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa toàn thành phố, dẫn đến khan hiếm thực phẩm, kêu gọi người dân tích trữ hay lãnh đạo thành phố bị nhiễm SARS-CoV-2 là bịa đặt, sai sự thật. Thành phố đang tập trung chủ động, quyết liệt xử lý các vấn đề nhằm tăng cường phòng chống dịch.

"Các hệ thống siêu thị của Nhà nước mở bán độc quyền trong lúc dịch bệnh" là tin sai sự thật trên tài khoản mạng xã hội Nguyễn Lân Thắng. Bởi thực tế, hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp tư nhân như Vinmart, Kmart, Fivimart hay Lotte kinh doanh ở khắp các tỉnh thành, phục vụ người tiêu dùng.

Tài khoản mạng xã hội Việt Tân đăng thông tin "2 triệu liều vaccine của Mỹ đã về đến Việt Nam nhưng tiêm cho không đúng đối tượng theo quy định". Đây là thông tin xuyên tạc, bịa đặt vì Việt Nam có chính sách phân bổ vaccine rõ ràng.

Đây chỉ là vài trong rất nhiều thông tin xuyên tạc về nỗ lực chống dịch của Việt Nam, xuất hiện trên mạng xã hội những ngày qua và các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc ngăn chặn, xử lý tình trạng này.

Cụ thể, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, cơ quan này đang nhanh chóng xác định các đối tượng vi phạm và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xử phạt theo quy định. Hay như tại tỉnh Quảng Bình, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử phạt 10 triệu đồng 2 đối tượng tung tin giả trong nhóm Zalo về một trường hợp mắc COVID-19, khiến người dân địa phương hoang mang. Sự thật là trường hợp đó âm tính với SARS-CoV-2.

Cách đây ít ngày, trên mạng lan truyền phiếu xét nghiệm của một người dân ở Cà Mau có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong khi thực chất trường hợp này âm tính. Hiện, công an tỉnh đã khoanh vùng được người chỉnh sửa phiếu xét nghiệm, tiếp tục điều tra và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong quý II/2021, cả nước đã xử phạt 24 trường hợp vi phạm, tổng số tiền gần 200 triệu đồng.

Theo các cơ quan chức năng, hiện có 4 nhóm thông tin giả: Lợi dụng tình hình dịch bệnh để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; Đăng tin sai về chính sách phòng chống dịch bệnh của Việt Nam; Tung tin giả liên quan đến tình hình đời sống của nhân dân tại các vùng dịch thiếu hụt lương thực; Xuyên tạc chủ trương của Chính phủ kêu gọi người dân, tổ chức doanh nghiệp ủng hộ đóng góp vào quỹ phòng chống vaccine COVID-19 của Chính phủ.

Trước tình hình tin giả tràn lan, mỗi người dùng mạng cần tỉnh táo trước các thông tin không chính thống, cẩn trọng trước mỗi dòng trạng thái, bình luận hay chia sẻ.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang