Tăng sức chống chịu của doanh nghiệp trước ‘bão’ dịch Covid-19
Cần ổn định chính sách để 'khoan sức' doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19
TS Nghiêm Vũ Khải: 'Thúc đẩy chính sách phát triển trụ cột trong khoa học'
Có thể thấy, tác động tiêu cực dễ nhận thấy nhất của đại dịch Covid-19 với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam là chỉ trong hai tuần đầu tháng 5, cán cân thương mại đã đảo chiều từ trạng thái xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm sang nhập siêu 353 triệu USD, tính đến ngày 15/5. Đáng lo ngại, làn sóng dịch Covid-19 đã “tấn công” vào các khu công nghiệp khiến tình trạng lây nhiễm lan nhanh trong lực lượng lao động ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau thời gian tạm đóng cửa bốn khu công nghiệp trên địa bàn để tập trung chống dịch, UBND tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực đưa 8 doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần. Để nối lại hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp này phải đáp ứng tiêu chuẩn Bộ Y tế về việc phòng chống dịch tại các cơ quan, xí nghiệp và khu công nghiệp.
Đồng thời, sắp xếp chỗ ăn ở cho công nhân tại nơi sản xuất, ký túc xá cách ly riêng biệt với bên ngoài. Hoàn thiện hồ sơ trình Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thẩm định, phê duyệt và phải đón đủ số công nhân được phép quay lại nhà máy theo quy định ở giai đoạn đầu vừa sản xuất vừa chống dịch.
Nhận định về tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư đến hoạt động sản xuất của Bắc Giang nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Nhìn từ con số thống kê sẽ tác động không nhiều đến nền kinh tế. Vì đóng góp tăng trưởng kinh tế hiện nay đến chủ yếu từ xuất khẩu, đầu tư công, từ những doanh nghiệp quy mô lớn.
“Quyết định đóng cửa một số khu công nghiệp ở Bắc Giang để khoanh vùng dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng hoạt động ở các khu công nghiệp khác, ở vùng khác vẫn bình thường. Quan trọng là việc đứt đoạn sản xuất đã không diễn ra như năm ngoái. Bên cạnh đó, ứng phó với dịch bệnh của đa phần doanh nghiệp đã tốt hơn, chủ động hơn”, PGS. TS Phạm Thế Anh lý giải.
Ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch lần này là tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, đến an sinh xã hội và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp ở khu vực phong tỏa hoặc giãn cách xã hội.
Thực tế đóng góp vào GDP của các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không lớn nên GDP không bị ảnh hưởng nhiều trước tác động của đại dịch. Song thu nhập của người dân sẽ giảm đi, đời sống khó khăn hơn vì sức chống chịu giảm dần sau hơn một năm chịu tác động của dịch Covid-19.
PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng, các chính sách hỗ trợ lúc này cần hướng đến mục tiêu giúp doanh nghiệp kéo dài sức chống chịu trước khó khăn. Đó là giãn thời gian trả các khoản vay cũ, giảm chi phí tài chính liên quan đến thuê đất, thuê mặt bằng và hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí tiền công, tiền lương để không phải sa thải lao động. Để khi hết dịch, doanh nghiệp có thể quay trở lại sản xuất ngay. Nếu doanh nghiệp phá sản, nguồn cung sẽ ảnh hưởng khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng trở lại. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho người lao động, người dân mất việc làm, mất sinh kế do phong tỏa, giãn cách xã hội.
Mọi ưu tiên đang hướng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh và cũng là địa bàn sản xuất công nghiệp trọng điểm của các tỉnh phía Bắc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên vaccine cho hai địa phương này để tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp; quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi được dịch Covid-19, bảo vệ sức khoẻ của người dân và bảo đảm sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy…
Mai Phương