Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp

authorHòa Lê 06:13 08/09/2018

(VietQ.vn) - Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp ở Bắc Ninh đã giúp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bắc Ninh có nhiều lợi thế như: đất đai màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng; cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư; trình độ sản xuất, thâm canh của người dân khá cao; nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Xác định được thế mạnh này, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ cao (CNC), tích tụ ruộng đất, xây dựng liên kết chuỗi hộ gia đình, trang trại nông - công nghiệp, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp CNC của tỉnh khá đầy đủ, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất.

Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp ở Bắc Ninh

 Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp ở Bắc Ninh đã giúp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 248 trang trại với tổng diện tích gần 10.000 ha, tăng 3,9 lần so với năm 2011, tập trung chủ yếu ở các huyện: Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và Tiên Du. Trong đó, 198 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có diện tích từ 2,1 ha trở lên, giá trị hàng hóa đạt từ 700 triệu đồng/năm trở lên).

Điểm nổi bật trong phát triển trang trại ở Bắc Ninh là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các mô hình nông nghiệp dần được phổ biến. Hiện, toàn tỉnh có 148 trang trại VAC ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60% tổng số trang trại.

Hầu hết các hệ thống nuôi trồng tại Bắc Ninh đều được quản lý tự động bằng phần mềm máy tính, hạn chế đến mức thấp nhất sức lao động của con người, đồng thời bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phép. Các sản phẩm do trang trại sản xuất đều có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vùng sản xuất nông sản ứng dụng CNC gồm: năm mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP(tổng diện tích 110 ha, cho thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm); tám mô hình sản xuất rau, màu, cây ăn quả VietGAP (tổng diện tích 43,65 ha, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm); 23 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính (tổng diện tích khoảng 11,2 ha, cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm)…

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang